Giá dầu, vàng, kim loại cơ bản, ngũ cốc, cao su… đồng loạt giảm mạnh trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu yếu đi khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nơi trên thế giới. Đồng USD tăng mạnh cũng gây áp lực giảm giá hàng hóa.
Nội dung
Dầu quay đầu giảm 4%
Giá dầu thô giảm 4% trong phiên vừa qua do những đợt phong tỏa mới bùng lên ở Châu Âu và Châu Á do tỷ lệ nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent giảm 2,46 USD (3,8%) xuống 61,95 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 2,62 USD (4,3%) xuống 58,56 USD/thùng.
Nhiều quốc gia Châu Âu đã kéo dài thời gian phong tỏa để hạn chế sự lây lan virus Covid-19. Điều này chắc chắn sẽ giảm giảm nhu cầu xăng dầu của khu vực này.
Ở Mỹ, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 được triển khai nhanh hơn tất cả các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại đợt du lịch nghỉ Xuân sẽ thúc đẩy số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng trở lại.
Đồng USD mạnh lên cũng ảnh hưởng tới giá dầu. Đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng so với euro do Mỹ có vẻ đang vượt qua đại dịch tốt hơn so với Châu Âu. USD tăng giá khiến cho giá dầu – tính bằng USD – trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Con tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez vẫn chưa được giải phóng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì khúc kênh đó đã không còn bị tắc nghẽn nữa, vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ dầu thô trên thế giới được vận chuyển qua kênh đào này.
Đồng thấp nhất gần 3 tuần
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 3 tuần do USD mạnh lên và lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,3% xuống 8.775 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 8.702 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 5/3.
Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: “Những lo lắng về nhu cầu của Trung Quốc và đồng USD mạnh lên là hai yếu tố vĩ mô cơ bản làm cho nhà đầu tư mất hứng thú đối với những hàng hóa mang tính rủi ro cao”.
Quặng sắt tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) tiếp tục tăng do nhu cầu đang được cải thiện và nhà đầu tư bớt lo ngại về việc trung tâm sản xuất thép của nước này sẽ giảm sản lượng.
Lo ngại về việc nguồn cung quặng sắt thế giới có thể bị thắt chặt do lũ lụt ở Australia tắc nghẽn ở kênh đào Suez cũng hậu thuẫn giá quặng tăng.
Kết thúc phiên vừa qua, quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,7% lên 1.067,50 CNY (163,36 USD)/tấn. Tuy nhiên, quặng sắt trên sàn Singapore vẫn giữ nguyên ở mức 155,70 USD/tấn.
Lúa mì thấp nhất 3 tháng, đậu tương và ngô cũng giảm do triển vọng nguồn cung tăng
Giá lúa mì Mỹ phiên vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay do triển vọng sản lượng lúa mì trên toàn cầu sẽ được cải thiện và đồng USD mạnh lên làm cho ngũ cốc Mỹ giảm sức hấp dẫn trên thị trường thế giới.
Cụ thể, giá lúa mì phiên vừa qua trên sàn Chicago giảm 12-1/4 US cent xuống 6,12-1/2 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có thời điểm giảm xuống 6,09 USD, thấp nhất kể từ 28/12/2020.
Giá ngô và đậu tương kỳ hạn giao sau cũng giảm cùng xu hướng với các hàng hóa khác trên các sàn giao dịch của Mỹ.
Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 6-3/4 US cent xuống 5,46-1/2 USD/bushel, đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 18-1/2 US cent xuống 14,14-1/4 USD/bushel; dầu đậu tương kỳ hạn tháng 5 giảm 2,5 cent xuống 54,98 US cent/lb.
Đường giảm
Giá đường giảm mạnh trong phiên vừa qua do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Châu Âu dẫn tới hiện tượng bán tháo trên diện rộng không chỉ ở các thị trường hàng hóa mà cả thị trường tài chính.
Kết thúc phiên, đường thô giảm 0,54 US cent, tương đương 3,5%, xuống 15,09 cent/lb; đường trắng giảm 11,1 USD (2,5%) xuống 439,2 USD/tấn.
Chính Brazil – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới – cũng đang phải gia tăng giãn cách xã hội chống Covid-19, làm giảm tiêu thụ nhiên liệu và gây áp lực lên giá ethanol trong nước. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ mía sản xuất ethanol sẽ giảm đi trong khi mía sản xuất đường tăng lên.
Cà phê ít thay đổi
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 phiên vừa qua vững ở 1,266 USD/lb, trong khi robusta giảm 1 USD (0,1%) xuống 1.365 USD/tấn.
Lo ngại về nhu cầu yếu đang đè nặng lên thị trường cà phê, khi những nước tiêu thụ cà phê lớn như Đức và Pháp đều phong tỏa chống Covid-19.
Thị trường cà phê Việt Nam tuần này cũng ảm đạm trong bối cảnh lượng dự trữ ít nhưng nhu cầu mua cũng thấp. Cà phê nhân xô ở Tây Nguyên được bán với giá 31.800-33.000 đồng (1,38- 1,43 USD)/kg, thấp hơn mức 32.800-33.500 đồng của tuần trước; và phê robusta xuất khẩu loại 2 giá cộng 55- 60 USD/tấn so với giá tham chiếu ở London, không thay đổi so với cách đây một tuần.
Indonesia đang thu hoạch cà phê nên nguồn cung tăng lên. Mức cộng cà phê của Indonesia so với giá tham chiếu quốc tế hiện từ 200 đến 220 USD/tấn.
Cao su thấp nhất 5 tuần
Giá cao su tại Nhật Bản giảm mạnh xuống mức thấp nhất hơn 5 tuần do lo ngại nhu cầu trên thế giới hồi phục chậm lại vì dịch Covid-19.
Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka giảm 5,6 JPY (2,2%) xuống 251,7 JPY (2,3 USD)/kg, trong phiên có lúc xuống chỉ 245,1 JPY, thấp nhất kể từ 15/2. Cao su trên sàn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 5) cũng giảm 20 CNY (0,1%) xuống 14.215 CNY (2.176 USD)/tấn.