Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu.. Nhóm nông sản dẫn dắt đà tăng của thị trường với toàn bộ các mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, mặc dù diễn biến phân hoá trái chiều đối với giá các mặt hàng trên 3 nhóm còn lại là Nguyên liệu công nghiệp, Năng lượng và Kim loại, lực mua vẫn cho thấy sự áp đảo. Điều này đang đặt ra kỳ vọng về xu hướng tăng giá mới được thiết lập sau giai đoạn liên tục biến động vừa qua.
Nội dung
Giá dầu thô dầu bật tăng, dầu Brent lấy lại mốc 100 USD/thùng
Dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch hôm qua 23/08, do tác động của thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể cắt giảm sản lượng trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 3,74% lên 93,74 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,88% lên 100,22 USD/thùng.
Mới đầu tuần, thị trường còn lo ngại nguồn cung từ Iran quay trở lại sẽ làm cho nguồn cung dầu tăng lên đáng kể và tác động tiêu cực đến giá. Theo thông tin mới nhất, Iran đã chấp nhận nhượng bộ từ bỏ một số yêu cầu của mình để xúc tiến quá trình đàm phán.
Hiện tại, với việc Saudi Arabia cho biết OPEC+ không loại trừ khả năng giảm sản lượng để điều tiết thị trường, giá đã bật tăng mạnh mẽ. Thông tin này giúp cho giá Brent lấy lại mốc 100 USD/thùng, và quay trở lại mức cao nhất trong vòng 1 tháng. Trong phiên, giá gần như không có nhịp điều chỉnh nào, có thể thấy đà tăng mạnh của thị trường đang được củng cố sau nhiều ngày liên tiếp giá bị kìm nén.
Tuy vậy, theo nguồn tin của Reuters, khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng cũng không quá cao và sẽ chỉ cần thiết trong trường hợp Iran và Mỹ đạt được thỏa thuận hạt nhân mới và đem thêm dầu quay trở lại thị trường. Nhóm sẽ họp trở lại vào ngày 05/09 và các thông tin xung quanh cuộc họp sẽ là tâm điểm của thị trường trong thời gian tới.
Tuần này, với các lịch vĩ mô không nhiều, chủ yếu là Hội nghị Jackson Hole trong cuối tuần, khả năng cao các yếu tố cơ bản sẽ quay trở lại dẫn dắt thị trường.
Rạng sáng nay, báo cáo độc lập của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu tại Mỹ giảm mạnh 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/08. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 7, cho thấy nhu cầu đi lại và tiêu thụ nhiên liệu của người dân Mỹ đã cải thiện đáng kể, nhất là khi giá xăng tại Mỹ giảm mạnh trong tháng 8. Khả năng cao số liệu của Báo cáo Thị trường tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ tối nay cũng sẽ cho thấy khối lượng xuất khẩu dầu của Mỹ cũng tăng trong tuần vừa rồi, do các nước châu Âu tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu của Nga.
Cà phê Arabica tăng hơn 3%, dẫn dắt xu hướng nhóm Nguyên liệu công nghiệp
Kết thúc phiên giao dịch 23/08, giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp diễn biến trái chiều. Dự báo nguồn cung cà phê niên vụ 21/22 tại Brazil bị thu hẹp, giúp Arabica tiếp tục tăng mạnh hơn 3%.
Gil Barabach, công ty tư vấn tại Brazil, mới đây đã chỉ ra sản lượng cà phê niên vụ 21/22 tại Brazil dự kiến sẽ thấp hơn mức ước tính 61,1 triệu bao loại 60kg, điều mà được Safras Mercado dự đoán trước đó. Bên cạnh đó, việc thời tiết khô nóng kéo dài trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục trong tháng 09, làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến sản lượng cà phê niên vụ 22/23, là những yếu tố thúc đẩy giá cà phê tăng mạnh trong phiên hôm qua. Đồng Real tăng hơn 1% cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ đà tăng của giá.
Theo sau đà tăng của cà phê là dầu cọ với mức tăng gần 2%. Nguyên nhân chính lý giải cho điều này dến từ nhu cầu gia tăng khi Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết, Ấn Độ cam kết nhập khẩu 2,6 triệu tấn dầu cọ với tổng giá trị 3,16 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, bông dẫn đầu đà giảm của nhóm do những thông tin thời tiết tích cực đối với chất lượng mùa vụ bông tại Mỹ. Cụ thể, dự báo thời tiết trong 10 ngày tới cho thấy, mưa xuất hiện ở khu vực phía Nam, trong đó có các bang sản xuất bông chính của Mỹ, được kỳ vọng sẽ bù đắp lượng nước thiếu hụt sau thời gian khô nóng kéo dài, từ đó cải thiện chất lượng mùa vụ đang ở mức thấp nhất 5 năm và giảm bớt lo ngại về nguồn cung niên vụ 22/23.
Đường trong phiên hôm qua có lực mua và bán khá cân bằng, đóng cửa giá đường 11 suy yếu nhẹ 0,28%. Các thông tin cơ bản diễn biến trái chiều đang là nguyên nhân chính dẫn đến sự giằng co này. Cụ thể, Conab, Cơ quan Cung ứng chính phủ Brazil dự báo sản lượng đường niên vụ 22/23 giảm mạnh 6,4 triệu tấn so với dự đoán trước đó, gây là lo ngại về nguồn cung thu hẹp, trong khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm tại Brazil lại đang ủng hộ cho việc ưu tiên mía cho sản xuất đường, khiến nguồn cung nới lỏng.
Thị trường chứng khoán rực lửa khi các mã cổ phiếu đều suy yếu, hoạt động của các nhà máy tại Nhật Bản vào tháng 08 tăng trưởng chậm nhất trong 19 tháng gần đây, trước bối cảnh chi phí nguyên liệu và năng lượng gia tăng cùng lo ngại suy thoái kinh tế. Điều này dấy lên lo ngại tiêu thụ mờ nhạt trong nước, và cũng là nguyên nhân khiến giá 2 mặt hàng cao su trong phiên hôm qua đồng loạt suy yếu.
Đồng tăng
Giá đồng tăng bởi tồn kho thấp, những dấu hiệu nhu cầu đang cải thiện tại Trung Quốc và những lo sợ rằng giá năng lượng cao ngất có thể buộc các nhà máy luyện cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng với kinh tế toàn cầu chậm lại đang đe dọa giảm nhu cầu.
Giá đồng tăng 17% từ mức thấp hồi giữa tháng 7, nhưng vẫn giảm 16% kể từ đầu năm nay và phần lớn ổn định trong những tuần gần đây.
Trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đồng tăng 1% lên 8.110 USD/tấn.
Cũng hỗ trợ đồng là USD giảm từ mức cao nhất 20 năm khiến giá các kim loại rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác. Theo nhà phân tích Ole Hansen thuộc ngân hàng Saxo giá đồng sẽ tăng lên khoảng 9.000 USD/tấn vào cuối năm nay.
Chi phí năng lượng cao nghĩa là nếu không có hỗ trợ của nhà nước hoặc rào cản giá, các nhà máy luyện đồng tại Châu Âu sẽ đối mặt với thua lỗ 2,7 tỷ USD theo các nhà phân tích thuộc Bank of America.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới trong tuần này đã cắt giảm lãi suất cho vay và chuyển sang hỗ trợ thị trường bất động sản.
Dự trữ đồng được đảm bảo trên sàn LME giảm xuống 72.250 tấn từ mức 121.200 tấn vào đầu tháng 7. Lo lắng về nguồn cung trên sàn LME đã đẩy tăng mức cộng của hợp đồng giao ngay so với giao sau ba tháng lên 51 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 2.
Giá quặng sắt, thép tăng
Giá quặng sắt và thép của Trung Quốc tăng do việc cắt giảm lãi suất cho vay mới nhất của chính phủ đã hỗ trợ tâm lý, trong khi triển vọng nhu cầu được cải thiện trước mùa cao điểm đối với thép xây dựng.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 2,5% lên 705 CNY (102,71 USD)/tấn, hợp đồng thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,7% lên 4.052 CNY/tấn.
Tại sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tăng 1,6% lên 103,35 USD/tấn.
Đã có những dấu hiệu tồn kho quặng sắt có thể giảm trong tuần này, số liệu của Mysteel cho thấy tồn kho ở cảng tại Trung Quốc giảm 0,3% theo tuần xuống 138,6 triệu tấn trong ngày 22/8.
Trong khi đó, nhiệt độ cao tại Trung Quốc sẽ sớm dịu đi cho phép hoạt động xây dựng phục hồi và khả năng có thêm các doanh nghiệp công nghiệp khởi động lại sau khi bị dừng để tiết kiệm điện.
Nhưng triển vọng trong dài hạn vẫn u ám do sự hồi sinh của Covid – 19 và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại gây áp lực cho nhu cầu thép.
Thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải tăng 1,8% lên 3.951 CNY/tấn, thép không gỉ tăng 0,9% lên 15.425 CNY/tấn.
Theo công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt giao ngay ở Trung Quốc tăng lên 104 USD/tấn trong ngày 22/8.
Ngô, đậu tương, lúa mì tăng
Giá ngô của Mỹ tăng 4,2% lên mức cao nhất trong 7,5 tuần do một báo cáo về tình trạng mùa màng và chuyến thăm tới các khu vực trồng trọt quan trọng tại Midwest đã làm dấy lên những lo ngại về quy mô vụ thu hoạch của Mỹ sẽ giảm thấp hơn dự kiến. Khả năng giảm sản lượng trong mùa thu cũng khiến thị trường đậu tương tăng. Lúa mì tăng theo ngô và đậu tương.
Ngô đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp, tăng 7,4% trong đợt này.
Trên sàn giao dịch Chicago ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 26-1/4 US cent lên 6,55-1/4 USD/bushel. Giá dã đạt đỉnh 6,62 USD, cao nhất kể từ ngày 30/6.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 tăng 25-3/4 US cent lên 14,61 USD/bushel.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12 tăng 12-1/4 US cent lên 8,00-1/2 USD/bushel.