Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, lực bán tiếp tục áp đảo trong ngày giao dịch hôm qua (4/6). Chỉ số MXV-Index đóng cửa giảm 1,24% xuống 2.272 điểm, mở rộng đà giảm sang ngày thứ 5 liên tiếp, đồng thời về mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây, phản ánh xu hướng suy yếu của giá hàng hoá.
Nội dung
Giá lúa mì giảm 5 ngày liên tiếp
Nhóm nông sản kết thúc ngày hôm qua (4/6) với 6 trên 7 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Trong đó, lúa mì Chicago giảm mạnh 2,16%, dẫn dắt xu hướng chung của nhóm. Mặc dù khởi sắc trong đầu phiên sáng trước những lo ngại về nguồn cung từ Nga, nhưng giá lúa mì nhanh chóng quay đầu suy yếu khi thị trường đón nhận những dữ liệu tích cực về nguồn cung từ . Giá đóng cửa hôm qua về mức 241,87 USD/tấn, ghi nhận ngày suy yếu thứ 5 liên tiếp.
Những số liệu tích cực phản ánh triển vọng mùa vụ tại Mỹ đã gây áp lực lớn lên giá lúa mì. Cụ thể, trong báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress), Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết khoảng 49% diện tích lúa mì đông của nước này đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 2/6, cải thiện so với tuần trước và cao hơn so với mức 36% cùng kỳ năm ngoái. Đối với lúa mì vụ xuân, khoảng 74% diện tích đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần đánh giá, cao hơn nhiều so với mức 69% kỳ vọng của thị trường cũng như mức 64% cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy luỹ kế xuất khẩu lúa mì của EU từ đầu niên vụ đến đầu tháng 6 đạt 28,17 triệu tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ xuất khẩu chậm hơn 4,7% chủ yếu do nhu cầu suy yếu. Đây cũng là yếu tố gây sức ép tới giá lúa mì trong ngày hôm qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua (4/6), giá chào bán lúa mì EU và Nam Mỹ tại miền Bắc tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, lúa mì kỳ hạn giao tháng 6 và tháng 7 năm nay dao động trong mức 7.500 đồng/kg.
Dầu giảm khi OPEC+ tăng nguồn cung mặc dù nhu cầu không ổn định
Giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng do sự hoài nghi về quyết định của OPEC + nhằm tăng nguồn cung vào cuối năm nay, khi mà nhu cầu đã có dấu hiệu suy yếu.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 84 cent, tương đương 1,07%, xuống 77,52 USD/thùng. Dầu thô trung cấp Tây Texas của Mỹ cũng giảm 97 cent, tương đương 1,31%, xuống 73,25 USD.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, được gọi là OPEC+, đã đồng ý gia hạn phần lớn việc cắt giảm sản lượng dầu của họ đến năm 2025 nhưng vẫn chừa chỗ cho việc cắt giảm tự nguyện từ 8 thành viên sẽ được dỡ bỏ dần dần, bắt đầu từ tháng 10/2024.
Việc gỡ bỏ cắt giảm sản lượng theo kế hoạch vào tháng 10 làm tăng thêm nỗi lo lắng về tình trạng dư cung trong một môi trường mà các nhà giao dịch đã lo sợ về việc lãi suất cao cản trở hoạt động kinh tế toàn cầu. Một loạt các tín hiệu từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu cho thấy nhu cầu dầu của họ có thể không tốt như mong đợi trong thời gian còn lại của năm nay.
Giá cà phê tăng mạnh
Nhóm cà phê là điểm sáng của thị trường khi là mặt hàng hiếm hoi duy trì đà tăng ổn định. Chốt ngày, giá Arabica tăng 3,2%, cà phê Robusta tăng 1,4%, chạm mức cao nhất trong vòng 4 tuần. MXV cho biết, lo ngại hoạt động sản xuất cà phê vụ 2024 – 2025 có thể thu hẹp tại các quốc gia cung cấp chính như Brazil và Việt Nam vẫn tiếp tục là nguyên nhân chính hỗ trợ giá Robusta. Trong khi đó, giá Arabica cũng nhận lực đẩy từ đà tăng của Robusta.
Thị trường hiện lo ngại nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục giữ cà phê khiến lượng hàng xuất đi trong tháng 5 sụt giảm. Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê đã ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng của nước ta chỉ ở mức 95.000 tấn, giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất đi 833.000 tấn cà phê, giảm gần 4% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Còn tại Brazil, hoạt động thu hoạch chậm và kích thước quả không đồng đều, số lượng quả nhỏ nhiều, đang làm dấy lên lo ngại sụt giảm sản lượng. Điều này cũng khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng nguồn cung vụ mới từ quốc gia này có thể nhanh chóng bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam.
Hãng tư vấn Safras & Mercado ước tính, đến 28/5, Brazil mới thu hoạch được 30% diện tích cà phê Robusta, thấp hơn mức 31% được quan sát vào cùng kỳ năm ngoái và mức 33% của trung bình 5 năm gần nhất.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua ngày 4/6, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 122.000 – 123.500 đồng/kg. Như vậy, cà phê nội địa đang hướng về mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào đầu quý II năm nay. Nếu tín hiệu nguồn cung tại Việt Nam và Brazil chưa sớm chuyển biến tích cực, giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới.
Quặng sắt gần mức thấp nhất 7 tuần do yếu tố cơ bản yếu, đồng giảm xuống dưới 10.000 USD khi tiếp tục hợp nhất
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tương lai tiếp tục giảm vào thứ Ba xuống mức thấp nhất trong gần bảy tuần, do có dấu hiệu suy yếu cả về nhu cầu ngắn hạn và triển vọng hấp thụ trung và dài hạn ở quốc gia tiêu dùng hàng đầu thế giới – Trung Quốc – và hàng tồn kho ở các cảng biển tiếp tục ở mức cao.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên giảm 2,11% xuống 834 nhân dân tệ (115,11 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 17 tháng 4, sau khi giảm hơn 2% vào thứ Hai.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,21% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17 tháng 4, còn 108,2 USD/tấn, mất đi hoàn toàn mức tăng trước đó nhờ kỳ vọng ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến.
Giá đồng vào thứ Ba giảm xuống dưới mốc quan trọng 10.000 USD/tấn lần đầu tiên sau ba tuần do do nhu cầu mờ nhạt ở nước tiêu dùng hàng đầu thế giới – Trung Quốc.
Đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn giảm 2,1% xuống còn 9.936,5 USD/tấn lúc kết thúc phiên vừa qua.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Dữ liệu sản xuất của Mỹ yếu hơn dự kiến. Và lượng đồng tồn kho ở Thượng Hải, được theo dõi chặt chẽ như một thước đo về nhu cầu vật chất, vẫn ở mức cao”.
Dữ liệu kinh tế yếu hơn của Mỹ đã thúc đẩy khả năng Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất sớm hơn, giúp đồng đô la phục hồi từ mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3.
Đồng đô la mạnh hơn khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.