Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán trở lại và chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (29/5), kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,53% xuống 2.378 điểm, đứt chuỗi tăng 3 ngày liên tiếp trước đó. Trong đó, đà giảm chủ yếu đến từ các mặt hàng nhóm năng lượng và nông sản.
Nội dung
Giá lúa mì ghi nhận ngày điều chỉnh giảm mạnh nhất trong tuần
Ngoại trừ dầu đậu tương, 6 mặt hàng nông sản còn lại đồng loạt chịu sức ép trong ngày hôm qua (29/5). Trong đó, giá lúa mì giảm hơn 1%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây.
MXV cho biết, bên cạnh lực bán kỹ thuật, triển vọng mùa vụ tích cực hơn ở Mỹ là yếu tố chính gây sức ép lên giá. Cụ thể, theo báo cáo Tiến độ mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tỉ lệ lúa mì vụ đông đạt chất lượng tốt tính đến ngày 26/05 là 48%, vượt xa mức 34% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, diện tích bị đánh giá kém cũng giảm từ 35% xuống còn 19%.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, hãng tin Refinitiv đã nâng ước tính sản lượng lúa mì vụ đông của nước này lên mức 139,9 triệu tấn. Dự báo trong hai tuần tới, các vực gieo trồng chính vẫn nằm trong khung thời tiết ấm áp và khô ráo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hoạch. Nếu con số trên được xác thực, sản lượng lúa mì của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao nhất lịch sử nhờ việc mở rộng diện tích gieo trồng và thời tiết thuận lợi. Sản xuất nội địa gia tăng sẽ phần nào giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài của quốc gia nhập khẩu số 1 thế giới này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (29/5), giá lúa mì EU và Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Cái Lân kỳ hạn giao tháng 5 năm nay dao động trong khoảng 7.000 – 7.100 đồng/kg; kỳ hạn giao tháng 6 ở mức 7.150 – 7.200 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao tháng 7 và tháng 8, giá chào bán cao hơn, ở 7.500 đồng/kg.
Nhôm đạt cao nhất trong gần hai năm
Giá nhôm đạt mức cao nhất trong gần hai năm do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mua vào từ các quỹ tăng vọt.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2% lên 2.783 USD/tấn, sau khi đạt đỉnh 2.787,5 USD, cao nhất kể từ ngày 9/6/2022.
Nhôm LME đã tăng 15% trong năm nay, so với đồng tăng 22%.
Tình trạng thiếu alumina, một sản phẩm trung gian giữa bauxite và nhôm, xuất hiện gần đây do sản lượng từ Trung Quốc sụt giảm và gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu của Rio Tinto, Australia.
Một nhà sản xuất nhôm toàn cầu đã đưa ra mức giá cao hơn cho khách hàng Nhật Bản là 175 USD/tấn trong quý 3, tăng 18% tới 21% so với quý trước, thể hiện niềm tin về triển vọng nhu cầu.
Nhật Bản là nước mua lớn kim loại này, được sử dụng rộng rãi trong vận tải, xây dựng và đóng gói. Mức giá tăng mà họ đồng ý trả mỗi quý so với giá LME thiết lập tiêu chuẩn cho Châu Á và là thước đo nhu cầu.
Giá quặng sắt tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do yếu tố cung cầu yếu lấn át việc có thêm kích thích bất động sản tại Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên DCE giảm 1,83% xuống 884,5 CNY (122,09 USD)/tấn sau khi giảm hơn 2% trong phiên trước đó.
Tại Singapore quặng sắt giao tháng 6 giảm 0,08% xuống 117,8 USD/tấn.
Giá tiếp tục giảm ngay cả khi thành phố Thẩm Quyến, Trung Quốc, một trung tâm sản xuất và công nghệ quan trọng của Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ trả trước tối thiểu bắt buộc đối với người mua nhà lần đầu xuống 20%, trong khi thành phố Quảng Châu phía nam sẽ hạ tỷ lệ này xuống 15%.
Tại Thượng Hải, thép thanh giảm 0,85%, thép cuộn cán nóng giảm 0,67%, dây thép cuộn giảm 0,92% và thép không gỉ giảm 0,95%.
Tiêu thụ yếu kéo giá dầu sụt giảm
Đóng cửa ngày 29/5, giá dầu thế giới suy yếu trở lại khi các dấu hiệu về tiêu thụ vẫn chưa cho thấy sự bùng nổ, trong khi nguồn cung tương đối đảm bảo. Dầu WTI chốt phiên giảm 0,75% xuống 79,23 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,74% xuống 83,6 USD/thùng.
Những lo ngại về nhu cầu xăng của Mỹ đã giữ giá xăng tương lai gần mức thấp nhất trong hai tháng gần đây, trong khi tỷ suất lọc dầu cũng đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2, bất chấp mùa tiêu thụ cao điểm đến gần.
Trong khi đó, mặc dù lo ngại về việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm quý III trong cuộc họp vào ngày 2/6 tuần này, song thực tế chứng minh nguồn cung của một số quốc gia trong nhóm ít tuân theo thỏa thuận.
Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết nước này đã xuất khẩu khoảng 102,38 triệu thùng dầu thô trong tháng 4, chỉ giảm nhẹ hơn 3 triệu thùng so với tháng 3, bất chấp việc tuyên bố sẽ bù đắp sự thiếu tuân thủ hạn ngạch trong các tháng đầu năm bằng cách cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ. Điều này đã gây áp lực tới giá dầu.
Dữ liệu từ Khu công nghiệp dầu mỏ Fujairah và theo dõi tàu cho thấy tổng tồn kho tăng 4,4% lên 20,363 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 27/5 sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng, phản ánh nhu cầu chậm lại. Dự trữ các sản phẩm chưng cất nặng cũng tăng 9,5% lên 10,116 triệu thùng trong tuần gần nhất, mức cao nhất trong 5 tuần qua.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm trên 3% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần rưỡi do dự báo thời tiết mát mẻ hơn ở Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu khí thiên nhiên từ các nhà cung cấp điện. Maxar Technologies cho biết hôm thứ Tư rằng dự báo thời tiết cho phần lớn vùng đông bắc đến miền trung nước Mỹ sẽ mát hơn trong thời gian từ ngày 8 đến ngày 12/6. Trong khi đó, dự báo đồng thuận cho rằng tồn kho khí tự nhiên hàng tuần Mỹ sẽ tăng +74 tỷ feet khối trong tuần trước cũng gây áp lực cho giá trong phiên.
Cao su Nhật Bản duy trì đà tăng
Giá cao su Nhật Bản tiếp tục chuỗi tăng phiên thứ 6 liên tiếp bởi giá dầu thô và cao su giao ngay tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,2 JPY hay 0,35% lên 339,8 JPY (2,16 USD)/kg.
Cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 tăng 175 CNY lên 15.445 CNY (2.131,08 USD)/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,38 US cent hay 2% xuống 18,35 US cent/lb.
Sản lượng đường tại trung nam Brazil vẫn tăng so với năm ngoái, mặc dù không đến mức như hồi tháng 4.
Olivier Leducq giám đốc điều hành Tereos, nhà sản xuất đường lớn thứ hai tại Brazil cho biết ông tăng giá đường thô khá hợp lý do thời tiết khô hạn tại miền trung nam Brazil, chốt giá đường ở mức 20/21 US cent/lb vào nửa cuối năm nay.
Trong khi giá đường trắng trung bình của EU ở mức 830 euro/tấn trong niên vụ 2023/24, giá hiện tại có thể thấp hơn dự báo hồi tháng 4 là 700/750 euro/tấn trong niên vụ 2024/25.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 1,8% xuống 543,4 USD/tấn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 57 USD hay 1,4% lên 4.177 USD/tấn sau khi tăng gần 6% trong phiên trước đó.
Thị trường này được hỗ trợ bởi sản lượng của Brazil thấp hơn dự kiến và những lo ngại kéo dài về thời tiết khô hạn hồi đầu năm sẽ ảnh hưởng tới sản lượng tại Việt Nam.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 0,6% xuống 2,2945 USD/lb.