1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 15/7: Mọi loại hàng hóa đều lao dốc

Giá hàng hóa trên toàn bộ các thị trường, từ dầu, đồng, sắt thép đến cao su, cà phê… đồng loạt lao dốc trong phiên 15/7 do dự đoán Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp sắp tới và điều đó sẽ gây suy thoái kinh tế và làm suy giảm nhu cầu.

Nội dung

Giá dầu giằng co mạnh giữa suy thoái và sức ép nguồn cung

Tương tự như nhóm kim loại, giá dầu tiếp tục giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về một đợt tăng lãi suất mạnh sắp tới có thể làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu. Kết thúc phiên 14/7, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 0,54% về 95,78 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 0,47% về 99,10 USD/thùng.

Giá dầu gặp sức ép bán mạnh từ phiên sáng, và khiến cho giá dầu thô WTI đã có lúc chạm 90,64 USD, còn giá dầu Brent cũng từng rớt xuống thấp hơn mức 95 USD. Tuy nhiên khi bước sang phiên tối, giá đã hồi phục gần hết đà giảm bởi nhiều nhà đầu tư lo ngại về việc nguồn cung vẫn bị thắt chặt trên thị trường hàng thực. Sức bán trên thị trường chủ yếu vẫn xuất phát từ những kỳ vọng về việc nhu cầu sụt giảm trong tương lai, trong khi nguồn cung thực tế vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Hiện Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ vẫn sản xuất dưới mức hạn ngạch đã cam kết, trong tháng 6, các thành viên OPEC đã sản xuất ít hơn 1,04 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra.

Thị trường cũng đang hướng sự chú ý về chuyến công du tới Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, và kỳ vọng ông sẽ đạt được một thỏa thuận để có thể giải tỏa cơn khát năng lượng.


Vào hôm qua, bộ dữ liệu về chỉ số giá sản xuất PPI tháng 6 của Mỹ đã củng cố cho mức lạm phát đạt đỉnh tại Mỹ. Cụ thể, PPI tháng 6 đạt mức tăng 1,1% so với tháng trước đó, đánh bại kỳ vọng tăng 0,8% của các chuyên gia kinh tế. Lạm phát tăng vọt khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất, thậm chí có thể thêm 1 điểm phần trăm ngay trong cuộc họp cuối tháng này. 

Giá bạc sụt giảm hơn 5% trước rủi ro tăng lãi suất

Toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại đồng loạt đỏ lửa với mức giảm sâu. Bạch kim đánh mất 2,45% giá trị và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, kết phiên với mức giá 817 USD/ounce. Đáng chú ý, bạc có phiên lao dốc mạnh nhất trong vòng hơn 1 năm nay, sụt giảm hơn 5% xuống mức 18,225 USD/pound.

Đồng giảm

Trước yếu tố lạm phát và rủi ro tăng lãi suất mạnh mẽ của FED gây ra thiệt hại kinh tế trong tương lai, giá đồng COMEX cũng sụt giảm 3,34% xuống mốc 3,21 USD/pound. Đồng vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế đang bị đe dọa bởi triển vọng nhu cầu toàn cầu tiêu cực trong tương lai.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 2,3% xuống 7.160 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 20 tháng, là 7.059 USD.

Quặng sắt thấp nhất 8 tháng

Giá quặng sắt phiên vừa qua giảm, với hợp đồng tham chiếu trên sàn Singapore giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng – dưới 100 USD, do gia tăng lo ngại rằng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép ở Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 8,2% xuống 99,90 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11.

Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ cho biết: “Giá quặng sắt vẫn dễ bị rủi ro giảm trong ngắn hạn”. “Nhu cầu thép từ lĩnh vực xây dựng ở Trung Quốc yếu đi là một cơn gió lớn đối với giá quặng sắt.”

Trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 kết thúc phiên giao dịch ban ngày giảm 2,6% xuống 695,50 nhân dân tệ (103,21 USD)/tấn.


Sắc đỏ bao phủ hầu hết các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp

Đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp, sắc đỏ bao phủ các mặt hàng trong nhóm ngoại trừ đường trắng. Đáng chú ý nhất là mức giá sụt giảm mạnh của Arabica và dầu cọ thô.

Cao su thấp nhất 2 tháng

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng do dữ liệu cho thấy mức lạm phát cao nhất của Mỹ trong hơn 40 năm làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất mạnh mẽ – có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và hạn chế nhu cầu.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 2 yên, tương đương 0,8%, xuống 241,8 yên (1,74 USD)/kg. Hợp đồng này trong phiên có lúc chạm 241,3 yên, thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 5.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải lúc đóng cửa giảm 240 nhân dân tệ, tương đương 2%, xuống 12.055 nhân dân tệ (1.789,08 USD)/tấn, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.

Dầu cọ giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp

Dầu cọ có phiên giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm gần 5%, đẩy giá về mức thấp nhất kể từ 07/2021. Bên cạnh thông tin về khả năng nới lỏng nguồn cung tại Malaysia, việc dầu thô giảm giá trong phiên hôm qua đã có tác động tiêu cực lên giá dầu cọ. Giá dầu thô giảm làm hạn chế tỷ lệ pha trộn dầu cọ vào diesel sinh học khiến nhu cầu cho tiêu thụ mặt hàng này sụt giảm.

Bông có phiên giảm kịch sàn thứ 2 trong tuần này và nối tiếp đà giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Bán hàng bông trong tuần kết thúc ngày 07/07 của Mỹ chỉ đạt 10.200 kiện, giảm 73% so với tuần trước và 68% so với mức trung bình 4 tuần, đã sức ép lên giá bông trong phiên tối qua. Bên cạnh đó, yếu tố về kỳ vọng tăng lãi suất của FED làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế cũng đã khiến giá bông lao dốc.

Đường 11 là mặt hàng duy nhất có sự khởi sắc trong phiên hôm qua, đóng cửa, giá đường tăng nhẹ gần 0,5%. Luật thuế mới vừa được Quốc hội Brazil thông qua vào 13/07 đẩy mạnh tính cạnh tranh của nhiên liệu sinh học so với dầu thô, từ đó thúc đẩy các nhà máy sản xuất ethanol của nước này đẩy mạnh hoạt động và hỗ trợ giá đường.

Cà phê arabica giảm xuống dưới 2 USD

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm xuống dưới 2 USD/lb, chạm mức thấp nhất trong 9 tháng do các tín hiệu kỹ thuật về xu hướng giảm kích hoạt động bán ra và khi xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil tiếp tục tăng.

Theo đó, arabica giao tháng 9 giảm 4,7% xuống 1,9735 USD/lb. Cà phê robusta giao tháng 9 cũng giảm 2,6% xuống 1.931 USD/tấn.

Trên thị trường nội địa, giá cà phê quay đầu giảm mạnh 1.000 VND/kg vào đầu giờ sáng nay sau khi tăng nhẹ vào hôm qua, dao động trong khoảng 40.800 – 41.300 VND/kg. Tiến trình đẩy mạnh kiềm chế lạm phát trên thế giới đã làm tăng rủi ro về nguy cơ suy thoái, tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ và đã gây sức ép lên giá các mặt hàng nói chung và giá cà phê nói riêng.

 


Lúa mì và đậu tương giảm, ngô tăng

Giá lúa mì Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp do lạc quan về một thỏa thuận có thể dẫn tới việc Ukraine được nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua khu vực Biển Đen. Giá đậu tương phiên này cũng giảm, riêng ngô tăng do lo ngại thời tiết nắng nóng làm hạn chế sự phát triển của cây ngô ở khu vực Trung Tây nước Mỹ trong giai đoạn quan trọng – hoa t hụ phấn.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 5-3/4 cent lên 6,01 USD/bushe, lúa mì đỏ mềm kỳ hạn tháng 9 giảm 15-3/4 cent xuống 7,95 USD/bushel, trong khi đậu tương giao tháng 11 giảm 8-1/2 cent xuống 13,41 USD/bushel.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *