Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hoá trong ngày hôm qua (14/5). Tuy nhiên, lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 0,38% xuống 2.291 điểm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 21,5%, đạt gần 8.400 tỷ đồng, cao nhất trong 3 tuần trở lại đây. Trong đó, dòng tiền đầu tư tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản và kim loại, chiếm đến 85% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Nội dung
Đồng cao nhất 13 tháng
Giá đồng kỳ hạn của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục do giao dịch chênh lệch giá và mua đầu cơ của các quỹ bất chấp nhu cầu tiêu thụ yếu ở Trung Quốc.
Tại LME, đồng kỳ hạn 3 tháng chốt phiên giảm 1,2% xuống 10.059,50 USD/tấn sau khi chạm 10.260 USD, cao nhất kể từ tháng 4/2022. Từ đầu năm tới nay, giá đồng đã tăng 18%.
Nhiều quỹ đầu tư đưa ra quyết định mua vào dựa trên các tín hiệu kỹ thuật đang cho thấy đà tăng giá mạnh mẽ.
Giá nhôm của LME tăng 0,1% lên 2.543,50 USD/tấn mặc dù dữ liệu cho thấy tồn kho tại các kho LME tăng lên mức cao nhất trong hơn 2-1/2 năm, tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa đầy một tuần. Niken trên sàn LME giảm 1% xuống 19.030 USD/tấn và kẽm giảm 0,4% xuống 2.985,50 USD trong khi chì tăng 0,3% lên 2.258 USD và thiếc tăng 1,1% lên 33.300 USD.
Giá than luyện cốc kỳ hạn giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất hơn một tháng, do dự đoán nguồn cung ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Hợp đồng than luyện cốc giao tháng 9/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc chốt phiên giảm 3,93% xuống 1.664 nhân dân tệ (229,91 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất trong ngày là 1.652 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ ngày 12/4.
Hợp đồng than cốc giảm 2,58% xuống 2.190 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ ngày 15/4.
Tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất than hàng đầu của Trung Quốc, đặt mục tiêu sản xuất khoảng 1,3 tỷ tấn than vào năm 2024, giảm 4% so với năm 2023, với sản lượng trong quý đầu tiên giảm 19% trong năm xuống còn 271 triệu tấn.
Giá quặng sắt giao tháng 9/2024 tại Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 0,75% xuống còn 865,5 nhân dân tệ/tấn. Quặng sắt tháng 6/2024 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,17% xuống 114,5 USD/tấn.
Tại Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,68%, thép cuộn cán nóng giảm 0,84% và thép không gỉ giảm 0,46%. Thanh dây tăng 0,34%.
Giá ngô quay đầu giảm mạnh từ mức đỉnh năm 2024
Đóng cửa ngày 14/5, giá ngô quay đầu giảm mạnh sau khi chạm mốc cao nhất kể từ đầu năm nay. Thị trường biến động liên tục sau các báo cáo quan trọng trong 2 tuần qua. Bên cạnh áp lực chốt lời của giới đầu tư, triển vọng sản lượng cao hơn tại Brazil là yếu tố đã góp phần gây sức ép lên giá.
Trong báo cáo tháng 5, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2023 – 2024 lên mức 111,64 triệu tấn, cao hơn so với so với mức 110,96 triệu tấn trong ước tính tháng trước. Mặc dù cơ quan này cắt giảm dự báo năng suất niên vụ 2023 – 2024 xuống còn 5,42 tấn/héc-ta, tuy nhiên, sản lượng ngô của Brazil vẫn tăng do diện tích gieo trồng được nâng lên 1,3% so với báo cáo trước. Nguồn cung cao hơn từ Brazil là yếu tố đã góp phần thúc đẩy lực bán đối với ngô.
Bên cạnh đó, báo cáo Tiến độ mùa vụ (Crop Progress) ngày hôm qua của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy, tính đến ngày 12/5, nông dân nước này đã trồng 49% diện tích ngô dự kiến, ngang với kỳ vọng của thị trường, tăng mạnh 13% trong tuần qua. Điều này cho thấy nông dân Mỹ đã đẩy mạnh gieo trồng và thị trường đang kỳ vọng khoảng cách so với các niên vụ trước sẽ dần thu hẹp trong những tuần tới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (14/5), giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta điều chỉnh tăng nhẹ. Cụ thể, giá chào bán ngô kỳ hạn giao quý III năm nay tại cảng Cái Lân dao động quang mức 6.500 – 6.550 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn khoảng 50 đồng/kg.
Ca cao, cà phê tăng trở lại, Đường thô chạm mức thấp nhất trong 18 tháng
Giá ca cao kỳ hạn tại New York tăng sau khi giảm mạnh của phiên trước đó. Giá ca cao kỳ hạn tháng 7 tại New York tăng 156 USD, tương đương 2,2%, lên 7.322 USD/tấn. Giá đã giảm gần 20% vào thứ Hai. Ca cao London kỳ hạn tháng 7 tăng 2,5% lên 6.149 pound/tấn.
Các yếu tố cơ bản vẫn hỗ trợ giá, với thâm hụt toàn cầu lớn được dự báo rộng rãi trong niên vụ 2023/24 hiện tại sau vụ mùa kém ở Bờ Biển Ngà và Ghana.
Những cơn mưa dưới mức trung bình vào tuần trước ở hầu hết các vùng ca cao chính của Bờ Biển Ngà có thể ảnh hưởng đến cuối mùa vụ giữa tháng Tư đến tháng Chín nếu điều kiện khô hạn kéo dài, nông dân cho biết hôm thứ Hai.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 4,8 cent, tương đương 2,4%, lên 2,0085 USD/lb. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 1% lên 3.433 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thời tiết khô hạn đang hỗ trợ tốc độ thu hoạch ở Brazil.
Trong khi đó, giá đường thô đã chạm mức thấp nhất trong 18 tháng là 18,31 cent, sau đó tăng nhẹ vào cuối phiên. Chốt phiên, giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,24 cent, tương đương 1,3%, lên 18,87 cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 8/2024 tăng 0,5% lên 553 USD/tấn.
Các đại lý cho biết tốc độ sản xuất đường mạnh mẽ ở khu vực Trung Nam trọng điểm của Brazil đang đè nặng lên giá, mặc dù với những cơn mưa rất cần thiết ở Thái Lan và Ấn Độ.
Thị trường đang chịu áp lực vì thời tiết khô hạn ở Brazil sẽ khiến máy nghiền chạy hết tốc lực. Tập đoàn ngành mía đường UNICA dự kiến sẽ công bố dữ liệu sản xuất đường CS Brazil trong nửa cuối tháng 4 trong vài ngày tới, với mức tăng hàng năm khoảng 50% dự kiến.
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất 3 tuần do giá tăng tại Thái Lan trong bối cảnh thời tiết thu hoạch kém, trong khi đồng yên yếu hơn cũng hỗ trợ.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 đóng cửa tăng 5,3 yên, tương đương 1,72%, lên 313,3 yên (2,00 USD)/kg, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 23/4. Hợp đồng cao su trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giao tháng 9 tăng 65 nhân dân tệ, kết thúc ở mức 14.310 nhân dân tệ (1.977,12 USD)/tấn. Giá cao su có thể sẽ vẫn ở mức cao do thu hoạch bị ảnh hưởng bởi sự xáo trộn thời tiết , đẩy giá nguyên liệu thô của Thái Lan lên cao hơn, trong khi các nhà máy sản xuất lốp xe hạ nguồn ở Trung Quốc đã dần khôi phục sản xuất sau kỳ nghỉ dài, công ty tư vấn Longzhong có trụ sở tại Trung Quốc cho biết trong một lưu ý hôm thứ Ba.
Giá tấm cao su hun khói xuất khẩu chuẩn (RSS3) của Thái Lan ở mức 83,92 baht Thái (2,28 USD)/kg, cao hơn 1,02% so với phiên trước đó. Giá cao su trên sàn giao dịch Singapore giao tháng 6 chốt phiên ở mức164,7 US cent/kg, giảm 0,2%.
Áp lực vĩ mô kéo giá dầu suy yếu
Kết thúc ngày giao dịch 14/5, giá dầu suy yếu trở lại chủ yếu do áp lực vĩ mô, khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát sản xuất tháng 4. Ngoài ra, sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng tạo sức ép cho giá. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm 1,39% xuống 78,02 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,18% xuống 82,38 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 4 tăng 0,5% so với tháng trước, cao hơn so với dự báo tăng 0,3%, sau khi điều chỉnh giảm 0,1% trong tháng 3. PPI lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng của Mỹ trong tháng trước cũng cao hơn dự báo với mức tăng 0,5%.
Lạm phát đầu vào tăng trở lại đe dọa tới khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lãi suất cao duy trì lâu hơn trong nền kinh tế sẽ tạo ra rủi ro tăng trưởng, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, kéo theo áp lực bán trên thị trường dầu trong phiên hôm qua.
Về mặt cung cầu, thông tin quan trọng nhất là báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 5 của OPEC cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2024 không đổi so với quan điểm tháng trước, với mức tăng 2,25 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 104,46 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng dầu của 12 nước OPEC trong tháng 4 đạt 26,575 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ 48.000 thùng/ngày so với tháng 3 với mức giảm đến từ các quốc gia như Nigeria và Iraq. Tuy nhiên, sản lượng của nhóm OPEC gồm 9 thành viên chịu giới hạn hạn ngạch trong tháng trước đạt 21,375 triệu thùng/ngày, vẫn đang cao hơn khoảng 200.000 thùng/ngày so với mức mục tiêu đề ra. Điều này đặt ra hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC, từ đó tiếp tục thúc đẩy giá dầu giảm trong phiên.
Theo Bloomberg, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kazakhstan, Iraq, Kuwait và Algeria là các quốc gia thậm chí còn có tiềm năng tăng sản lượng vào năm tới. UAE cho biết họ có khả năng bơm 4,85 triệu thùng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức hạn ngạch 3,5 triệu thùng/ngày được giao. Trong khi đó, Iraq cũng cho biết họ có thể đưa ra thị trường tới 5,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm hơn 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/5 so với dự báo chỉ giảm 0,5 triệu thùng. Trong khi tồn kho xăng giảm 1,3 triệu thùng, trái với dự báo tăng, đã làm hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên sáng.