1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa ngày 11/1/2023: Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 10/01, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng ghi nhận mức giảm rất mạnh khiến lực bán có phần chiếm ưu thế, kéo chỉ số MXV- Index giảm nhẹ 0,48%, chốt ở mức 2.360 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt hơn 37%, đạt gần 3.600 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền đang dần quay trở lại thị trường, sau những phiên giao dịch biến động rất lớn vừa qua.

Thị trường hàng hóa ngày 11/1/2023: Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Nhóm nguyên liệu công nghiệp dẫn dắt xu hướng của thị trường với một loạt các mặt hàng giảm giá mạnh. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, kim loại là nhóm duy nhất duy trì được đà tăng trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, diễn biến giá giằng co khiến chỉ số MXV- Index Kim loại, chỉ số đo lường mức độ biến động của riêng nhóm này, chỉ tăng rất nhẹ 0,15%.

Nội dung

Đà tăng của nhóm kim loại quý chững lại, đồng và quặng sắt tiếp tục là điểm sáng của thị trường

Thị trường kim loại kết thúc phiên giao dịch 10/01 với một diễn biến phân hóa giữa các mặt hàng. Với nhóm kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim giảm gần 0,9% về lần lượt là 23,67 USD/ounce và 1076,6 USD/ounce.

Đà tăng của nhóm kim loại quý bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, khi mà các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi số liệu lạm phát của Trung Quốc và Mỹ. Trong bài phát biểu mới nhất của mình, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, tiếp tục nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc ổn định giá cả, tuy nhiên ông không đưa ra bất kỳ manh mối trực tiếp nào về hướng đi chính sách của Fed trong thời gian tới. Đồng USD hồi phục cùng với việc dòng tiền tiếp tục chảy về thị trường chứng khoán, cũng gây áp lực không nhỏ tới đà tăng của nhóm kim loại quý.

Thị trường hàng hóa ngày 11/1/2023: Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Với nhóm kim loại cơ bản, giá các mặt hàng được tiêu thụ nhiều bởi Trung Quốc như đồng, nhôm, và quặng sắt đều tăng tích cực. Giá đồng tăng 1,27% lên 4,08 USD/pound, và đang ở mức cao nhất trong gần 7 tháng sau bốn phiên tăng liên tiếp. Giá quặng sắt cũng tăng 1,67% lên 120 USD/tấn. Sự tăng trưởng của cả hai kim loại này đều gắn liền vào kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi mà Chính phủ nước này ban hành nhiều chính sách có lợi hơn với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn tiêu thụ các kim loại cơ bản như xây dựng.

Giá đồng đang bật tăng mạnh mẽ hơn giá quặng sắt trong các phiên gần đây, bởi trước đó phần lớn các tin tích cực đã phản ánh vào giá quặng sắt. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển đổi năng lượng xanh cũng làm gia tăng tiêu thụ đối với đồng. Rất nhiều quốc gia như Mỹ và Ấn Độ đang cạnh tranh với Trung Quốc trong chuỗi sản xuất pin khiến cho nhu cầu của rất nhiều các kim loại khác như niken, chì, kẽm cũng tăng lên.

Cà phê Arabica chạm mức thấp nhất trong 18 tháng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/01, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, cà phê Arabica nối dài đà giảm đến phiên thứ 8 liên tiếp do những áp lực từ nguồn cung.

Đà giảm của Arabica vẫn được nối dài, đóng cửa giá mặt hàng này sụt giảm 4,52%, đẩy giá về mức thấp nhất kể từ 07/2021. Triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil tiếp tục là nhân tố gây sức ép lên giá. Theo đó, các chuyên gia dự đoán lượng mưa tốt trong thời gian qua cùng với dự báo mưa vẫn tiếp diễn trong 14 ngày tới tại Minas Gerais sẽ hỗ trợ cây cà phê đang trong giai đoạn phát triển của Brazil có được điều kiện sinh trưởng thuận lợi nhất. Điều này có thể giúp sản lượng cà phê tại nước cung ứng lớn nhất thế giới được cải thiện trong năm nay. Bên cạnh đó, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 07 tháng trở lại đây cũng góp phần khiến giá giảm mạnh trong phiên hôm qua.

Số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 1 cũng như năm 2022 của Việt Nam, quốc gia cung ứng Robusta lớn nhất trên thế giới là nhân tố chính thúc đẩy giá mặt hàng ngày giảm hơn 1% trong phiên hôm qua.

Thị trường hàng hóa ngày 11/1/2023: Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới

Dầu cọ đã suy yếu trong bối cảnh số liệu xuất khẩu đáng thất vọng trong tháng này. Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 10 ngày đầu tháng 01 đạt 235.529 tấn, giảm mạnh so với mức 480.404 tấn cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 247.711 tấn sản phẩm dầu cọ trong giai đoạn này, giảm 49.8% so với mức 492.960 tấn cùng kỳ tháng 12. Thông tin trên đang gây sức ép lên giá dầu cọ.

Mặc dù chỉ số Dollar Index giảm mạnh trong phiên hôm qua có thể khiến giá bông trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy lực mua trên thị trường và hỗ trợ giá tăng. Giá bông vẫn quay đầu giảm gần 2% với những lo ngại số ca mắc mới của Trung Quốc vẫn tăng mạnh sẽ khó long cải thiện nhu cầu tiêu thụ bông trong ngắn hạn.

Bất chấp việc nguồn cung nới lỏng tại Ấn Độ cùng với chính sách gia hạn miễn thuế nhiên liệu của chính phủ Brazil sẽ giúp nguồn cung đường tại quốc gia nới lỏng trong thời gian tới và gây áp lực lên giá, giá đường 11 có phiên tăng thứ 2 liên tiếp, đóng cửa giá tăng hơn 2%.

Giá dầu tiếp đà tăng

Giá dầu tăng nhẹ do chính phủ Mỹ dự báo mức tiêu thụ xăng dầu toàn cầu trong năm tới đạt mức cao kỷ lục và đồng USD chạm mức thấp nhất 7 tháng.

Chốt phiên giao dịch ngày 10/1, dầu thô Brent tăng 45 US cent tương đương 0,6% lên 80,1 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 49 US cent tương đương 0,6% lên 75,12 USD/thùng.

Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu WTI và Brent đều tăng 1%, sau khi Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất và tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới – mở cửa biên giới, lần đầu tiên sau 3 năm vào cuối tuần qua. Đồng thời, Trung Quốc cũng ban hành hạn ngạch nhập khẩu dầu thô thứ 2 cho năm 2023, nâng tổng hạn ngạch trong năm nay tăng 20% so với năm ngoái.

Tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu trong năm 2024 dự báo đạt 102,2 triệu thùng/ngày, chủ yếu do tăng trưởng tại các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, phản ánh xu hướng hoạt động kinh tế, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn.

Ngoài ra, thị trường cũng chờ đợi kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sau khi chủ tịch Fed, Jerome Powell tránh bình luận về chính sách tiền tệ và nền kinh tế tại một hội nghị chuyên đề. Trong khi đó, các thương nhân chờ xem số liệu CPI của Mỹ để biết các dấu hiệu về triển vọng ngắn hạn.

Đồng USD dao động xung quanh mức thấp nhất 7 tháng. Đồng USD suy yếu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, khi hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với khách mua hàng nắm giữ tiền tệ khác.

Giá ngô tăng, đậu tương giảm, lúa mì thấp nhất 15 tháng

Giá ngô trên sàn Chicago hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần, do nhu cầu xuất khẩu của Mỹ tăng làm lu mờ lo ngại vụ thu hoạch tại Argentina suy giảm bởi hạn hán.

Trong khi giá đậu tương giảm và giá lúa mì chạm mức thấp nhất 15 tháng, do nguồn cung toàn cầu dồi dào và nhu cầu đối với hàng hóa của Mỹ suy yếu.

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 2-1/4 US cent lên 6,55 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất 3 tháng (6,48-1/4 USD/bushel) trong đầu phiên giao dịch. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 3-1/2 US cent xuống 14,85 USD/bushel. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 10-1/2 US cent xuống 7,31 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021 (7,2-1/2 USD/bushel) trong đầu phiên giao dịch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *