Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 2/5. Lực bán có phần nhỉnh hơn, đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,23% xuống 2.249,51 điểm, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp.
Lực mua bất ngờ áp đảo trên nhóm nông sản sau những ngày liên tục đi ngang, với 5 trong tổng số 7 mặt hàng tăng giá. Trong đó, giá khô đậu tương ghi nhận mức tăng trên 4%, là một trong các nguyên liệu tăng giá mạnh nhất thị trường trong ngày hôm qua.
Trái lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục gặp sức ép, với sự lao dốc của giá cà phê, cacao và bông. Cùng chung xu hướng, nhóm kim loại cũng ghi nhận nhiều mặt hàng giảm giá trước kỳ vọng phục hồi từ phía nguồn cung. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng gần 10% lên hơn 5.000 tỷ đồng, với dòng tiền được phân bổ nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại.
Nội dung
Giá đậu tương chạm mức cao nhất 3 tuần
Giá đậu tương hợp đồng tháng 7 tăng vọt hơn 2% trong phiên hôm qua và chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất được ghi nhận kể từ tháng 11/2023. Lực mua được thúc đẩy mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên, trong bối cảnh mùa vụ tại Brazil tiếp tục bị đe dọa bởi yếu tố thời tiết.
Công ty Hỗ trợ kỹ thuật và Khuyến nông Nông thôn Emater cho biết, các trận mưa lớn đã diễn ra tại bang Rio Grande do Sul, khu vực sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil. Tính tới ngày 25/04, còn khoảng 34% diện tích đậu tương tại bang chưa được thu hoạch, và những trận mưa kéo dài đã gây ra lũ lụt tại các vùng gieo trồng trọng điểm.
Ban đầu, sản lượng đậu tương năm nay ở Rio Grande do Sul được kỳ vọng sẽ đạt kỷ lục 22,25 triệu tấn, và giúp bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng ở các bang Mato Grosso và Parana do hạn hán. Các yếu tố bất lợi về thời tiết đã làm giảm bớt kỳ vọng tích cực này, kéo giá đậu tương tăng mạnh.
Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng lên tới gần 5%. Bên cạnh mối đe dọa về thời tiết đối với mùa vụ tại Brazil, những tin đồn trên thị trường về việc công nhân ở Argentina có thể nối lại các cuộc đình công để phản đối chính phủ cũng đã hỗ trợ giá khô đậu bật tăng.
Trái lại với xu hướng quốc tế, giá chào bán khô đậu giao tháng 6 cập cảng Cái Lân ghi nhận đà giảm so với tuần trước, với mức giảm khoảng 200 đồng/kg, hiện đang được giao ở khoảng 11.850 đồng/kg. Giá cập cảng Vũng Tàu cùng kỳ hạn được chào bán thấp hơn ở khoảng 11.700 đồng/kg.
Dầu trái chiều
Giá dầu đóng của gần mức thấp nhất 7 tuần, bởi nhu cầu toàn cầu yếu, tồn kho đang tăng và hy vọng sớm cắt giảm lãi suất của Mỹ xa dần.
Chốt phiên 02/5, dầu Brent tăng 0,23 USD hay 0,3% lên 83,67 USD/thùng. Dầu WTI giảm 0,05 USD hay 0,1% xuống 78,95 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 12/3. Cả hai loại dầu này ở dưới đường trung bình 200 ngày, một chỉ số kỹ thuật quan trọng thể hiện một sự thay đổi sang thị trường hạ giá của dầu thô.
Nhu cầu dầu diesel sụt giảm trên toàn thế giới làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ đang chậm lại ở các nền kinh tế lớn, chẳng hợn như Mỹ nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Dự trữ dầu đốt gồm cả diesel tăng hơn 3% tại trung tâm lưu trữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp của Châu Âu trong tuần tính tới ngày 2/5.
Yếu tố hỗ trợ giá là tổ chức OPEC+ có thể gia hạn việc cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu không tăng. Các thương nhân đang theo dõi xem liệu giá dầu giảm có thúc đẩy chính phủ Mỹ bổ sung nguồn dự trữ chiến lược hay không.
Thị trường dầu mỏ được hỗ trợ bởi suy đoán rằng nếu dầu WTI giảm dưới 79 USD/thùng, Mỹ sẽ chuyển sang tăng dự trữ chiến lược của họ.
Tại Trung Đông ngày càng có hy vọng rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có thể đạt được sau nỗ lực mới của Ai Cập.
Cao su Nhật Bản giảm phiên thứ hai
Giá cao su Nhật Bản giảm phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh giao dịch trầm lắng do Trung Quốc nghỉ lễ dài ngày, trong khi nhu cầu mờ nhạt ở các nền kinh tế quan trọng tiếp tục gây sức ép lên tâm lý nhà đầu tư.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,7 JPY hay 0,23% xuống 302,7 JPY (1,95 USD)/kg.
Việc bổ sung hàng dự trước trước kỳ nghỉ của các nhà sản xuất cao su Trung Quốc ít hơn so với dự kiến đã gây áp lực lên thị trường này.
Trong khi các khu vực sản xuất cao su khắp Đông Nam Á và Bờ Biển Ngà vẫn khô hạn và nóng, việc khai thác đã bắt đầu điều này gây áp lực thêm lên giá.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 298 USD 7,5% xuống 3.680 USD/tấn, thị trường này tiếp tục giảm từ mức cao kỷ lục 4.338 USD đạt được trong tuần trước.
Các đại lý lưu ý đã có mưa tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, mặc dù thời tiết vẫn là một mối quan tâm.
Dự trữ cà phê robusta và arabica trên sàn giao dịch tăng cũng gây sức ép lên giá.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 0,99 USD hay 4,5% xuống 2,0610 USD/lb.
Hoạt động giao dịch vẫn yếu tại Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ, trong khi mức cộng tăng tại Indonesia trong bối cảnh dự đoán một vụ thu hoạch trong tháng 6.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 132.500 – 133.200 đồng (5,22 – 5,25 USD)/kg, tăng từ 128.200 – 129.500 đồng một tuần trước.
Việt Nam đã xuát khẩu 756.000 tấn cà phê trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch 2,57 tỷ USD, tăng 58% so với cùng kỳ.
Indonesia đã xuất khẩu 3.093,4 tấn cà phê robusta từ đảo Sumatra, giảm 58,9% so với cùng tháng năm trước.
Cà phê Sumatra tại tỉnh Lampung được chào bán ở mức cộng 720 – 820 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 ở London, tăng từ mức cộng 600 USD một tuần trước.
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,2% lên 19,25 US cent/lb.
Ukraine có thể sử dụng hết hạn ngạch xuất khẩu đường năm 2024 do Liên minh Châu Âu đề xuất vào tháng tới và có thể phải cắt giảm tới 20% diện tích trồng củ cải đường trừ khi họ tìm được các thị trường khác.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 2,2 USD hay 0,4% lên 570,5 USD/tấn.
Áp lực nguồn cung giải toả, giá kim loại cơ bản suy yếu
Khác với diễn biến tăng giá áp đảo trên thị trường nông sản thế giới, nhóm kim loại ghi nhận biến động có phần trái chiều, với lực bán có phần nhỉnh hơn.
Giá đồng COMEX nối dài đà giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Sau khi thiết lập mức đỉnh 2 năm, giá đồng đang suy yếu trở lại khi rủi ro nguồn cung vốn đang dần được xoa dịu. Cụ thể, nhằm hạ nhiệt đà tăng mạnh mẽ của giá đồng, các nhà sản xuất của Trung Quốc đang lên kế hoạch xuất khẩu tới 100.000 tấn đồng tinh chế, mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Cùng chung xu hướng giảm, giá nhôm LME và niken LME cũng để mất hơn 1% giá trị do yếu tố nguồn cung cải thiện. Đối với nhôm, tồn kho các trong kho LME hiện đã tăng lên 88.625 tấn, làm giảm bớt lo ngại nguồn cung gián đoạn sau khi Mỹ và Anh ban hành lệnh cấm nhôm của Nga vào tháng trước, từ đó gây áp lực cho giá.
Đối với niken, theo thông báo của Chính phủ Zimbabwe, một trong những nước khai thác niken lớn trên thế giới, mỏ niken Trojan của nước này đã quay trở lại sản xuất sau 7 tháng ngừng hoạt động. Mỏ hiện có công suất sản xuất 5.500 tấn niken cô đặc hàng năm, có thể củng cố thêm cho nguồn cung, gây áp lực lên giá niken vốn đang chịu sức ép bởi tình trạng dư cung.
Đối với kim loại quý, áp lực vĩ mô suy yếu tiếp tục hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim tăng hai phiên liên tiếp. Chốt ngày, giá bạc tăng nhẹ 0,3% lên 26,82 USD/ounce. Giá bạch kim neo tại mức 962,6 USD/ounce, sau khi tăng 0,81%.
Trong bản công bố kết quả cuộc họp lãi suất của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), mặc dù tỏ ra lo ngại về lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn giữ nguyên mục tiêu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này giúp xoa dịu nỗi lo về nguy cơ FED không hạ lãi suất hoặc thậm chí tăng lãi suất như thị trường dự báo trước đó. Đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục giảm trong phiên, hỗ trợ giá kim loại quý duy trì đà tăng.