1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa 8/8/2023: Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua (07/08) với lực bán chiếm ưu thế khiến chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu 0,42% sau 2 phiên tăng, xuống 2.283 điểm.

Nội dung

Giá bạc giảm mạnh trước sức ép của đồng USD

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, ngoại trừ chì và thiếc LME, toàn bộ các mặt hàng còn lại trong nhóm kim loại đồng loạt giảm giá,. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm mạnh 2,04% xuống 23,23 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng. Trong khi đó, giá bạch kim chỉ suy yếu 0,67% xuống 926,9 USD/ounce.

Giá các mặt hàng kim loại quý đồng loạt suy yếu sau những bình luận mang tính “diều hâu” của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Thống đốc Fed, Michelle Bowman, trong bài phát biểu tại sự kiện “Fed Listens” ở Atlanta, bà cho rằng Fed cần phải tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát về mức 2%.

Chủ tịch Fed bang New York, John Williams, cũng cho rằng Fed cần phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian và cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu vào năm 2024 nếu lạm phát hạ nhiệt, theo New York Times đưa tin vào ngày 7/8.

Do đó, lo ngại Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay trong năm nay đã giúp đồng USD phục hồi. Điều này khiến giá bạc và bạch kim chịu sức ép do chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, giá bạch kim ghi nhận mức giảm thấp hơn hẳn so với giá bạc do một số lo ngại về nguồn cung.

Sản lượng khai thác của Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, theo Hội đồng Khoáng sản Nam Phi. Ngành khai thác của Nam Phi đang phải chịu sức ép bởi tình trạng mất điện liên tục và vận hành hệ thống đường sắt gặp gián đoạn.

Nhóm đậu tương chịu sức ép

Ngoại trừ lúa mì, trên thị trường nông sản, ngô, đậu tương và gạo thô đều chịu sức ép bán trong ngày hôm qua. Trong đó, ngô và gạo thô chỉ suy yếu nhẹ, ngược lại, 3 mặt hàng nhóm đậu tương ghi nhận mức giảm tương đối mạnh.

Theo MXV, triển vọng nguồn cung khả quan hơn nhờ dự báo hạn hán sẽ dần thu hẹp tại Mỹ giúp chất lượng cây trồng cải thiện trong thời gian tới là nguyên nhân chính tạo sức ép tới giá đậu tương.

Đậu tương Mỹ bước vào tháng 8, giai đoạn quan trọng nhất quyết định tới năng suất thu hoạch với thời tiết khá tích cực. Từ đầu tuần này, Mỹ đã ghi nhận một đợt dông bão phía đông và mang lại thời tiết mát mẻ, ôn hòa hơn tới các khu vực gieo trồng. Khả năng là trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tuần này và tuần tới, chất lượng đậu tương Mỹ sẽ được cải thiện. MXV cho biết, xu hướng của số liệu này sẽ là cơ sở để dự đoán cho số liệu năng suất trong báo cáo Cung – cầu sau đó và cũng chính là yếu tố quyết định tới xu hướng giá đậu tương trong vài tháng tới. Với bối cảnh hiện tại, thị trường đang thiên về xu hướng giá giảm khá rõ ràng.

Ngoài ra, theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) của USDA, khối lượng đậu tương giao hàng đậu tương trong tuần kết thúc ngày 03/08 của Mỹ đạt 281.857 tấn, thấp hơn so với tuần trước và chỉ bằng chưa tới 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Tổng luỹ kế giao hàng từ đầu niên vụ cho tới nay mới chỉ đạt 94% so với tổng khối lượng dự báo xuất khẩu cả niên vụ. Trong khi đó, tiến độ giao hàng đã hoàn thành trong cùng kỳ năm ngoái. Do chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là kết thúc niên vụ nên con số này càng có ý nghĩa hơn trong việc phản ánh nhu cầu đối với nguồn cung tại Mỹ. Báo cáo tối qua cho thấy xuất khẩu đậu tương của Mỹ đang bị chậm trễ cũng góp phần khiến giá suy yếu.

Trong khi đó, 2 mặt hàng thành phẩm đậu tương cũng đóng cửa với mức giảm khá mạnh. Khô đậu chịu sức ép gián tiếp từ thị trường đậu tương trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản. Giá dầu đậu mặc dù sụt giảm hơn 2,7% nhưng xu hướng chính vẫn đang giằng co trong vài phiên vừa qua do lo ngại về nguồn cung dầu thực vật sẽ thu hẹp.

Sáng nay trên thị trường nội địa, giá chào bán khô đậu tương nhập khẩu cũng cho thấy xu hướng hạ nhiệt. Tại cảng Cái Lân, khô đậu tương Mỹ được chào bán ở khoảng 13.600 – 13.700 đồng/kg đối với kỳ hạn giao các tháng quý III năm nay. Đối với kỳ hạn giao quý IV, giá chào bán thấp hơn, ở khoảng 13.300 đồng/kg.

Dầu giảm do nhu cầu yếu tại Trung Quốc và Mỹ

Giá dầu đã giảm 1% vào phiên giao dịch đầu tuần, sau sáu tuần tăng liên tiếp, do nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và Mỹ khi mùa lái xe hè sắp kết thúc vào đầu tháng 9.

Giá dầu thô Brent giảm 90 cent, tương đương 1,04%, xuống mức 85,34 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas của Mỹ giảm 88 cent, tương đương 1,06%, xuống mức 81,94 USD/thùng.

USD tăng so với các loại tiền tệ chính, phục hồi khỏi mức thấp cuối tuần trước khi thống đốc Fed Michelle Bowman cho rằng các đợt tăng lãi suất bổ sung có thể sẽ cần thiết để giảm lạm phát xuống còn mục tiêu 2% của Fed. Đồng đô la mạnh hơn khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ngoài ra, công ty ống dẫn dầu Ba Lan PERN cho biết sẽ nối lại đường ống vận chuyển dầu đến châu Âu vào ngày 8/8, làm giảm bớt lo lắng về hạn chế nguồn cung. PERN đã ngừng bơm một phần của đường ống Druzhba sau khi phát hiện rò rỉ ở miền trung Ba Lan hôm thứ Bảy vừa qua.

Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, tuần trước đã gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 9 và cho biết sẽ có nhiều đợt cắt giảm tiếp theo. Để phù hợp với việc cắt giảm sản lượng, công ty dầu khí Saudi Aramco hôm thứ Bảy đã tăng giá bán chính thức đối với hầu hết các loại mà họ bán sang châu Á trong tháng 9, tháng tăng thứ 3 liên tiếp.

Nga bổ sung vào tình trạng khan hiếm nguồn cung với thông báo sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày vào tháng 9.

Cao su Nhật Bản giảm phiên thứ 5 liên tiếp

Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản giảm phiên thứ năm liên tiếp do đồng yên mạnh hơn và giá giảm tại thị trường Thượng Hải do hàng tồn kho tăng. Giá cao su giao tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch Osaka giảm 0,5 yên, tương đương 0,3%, xuống 197,0 yên (1,39 USD)/kg. Giá hợp đồng này  đã lơ lửng gần mức thấp nhất trong hai năm kể từ ngày 18/7/2023.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 55 CNY, tương đương 0,4% xuống 12.900 CNY (1.794,33 USD)/tấn. Dự trữ cao su tại các kho do Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng 4,8% so với một tuần trước đó, mức tăng hàng tuần cao nhất từ đầu năm đến nay.

Giá cao su kỳ hạn tháng 9 tại sở giao dịch Singapore chốt phiên  ở mức 128,0 US cent/kg, giảm 0,1%.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,05 US cent hay 0,2% lên 23,74 US cent/lb, sau khi đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7 là 23,40 US cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2023 giảm 12,8 USD hay 1,8% xuống 686,2 USD/tấn.

Các đại lý lưu ý thị trường có vẻ yếu và có thể giảm sâu hơn. Mặc dù người tiêu dùng cuối có nhiều thứ để mua hơn, nhưng họ dường như không vội vàng khi vụ thu hoạch ở Brazil tiếp tục diễn ra nhanh chóng.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2,6 US cent hay 1,6% đạt 1,6395 USD/lb, sau khi  tăng 2,2% trong tuần trước đó. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 66 USD hay 2,7% lên 2.554 USD/tấn.

Cà phê Arabica từ Brazil, thường được đánh giá là loại chất lượng thấp hơn, đã xuất hiện với số lượng lớn trên sàn giao dịch ICE. Xuất khẩu cà phê robusta của Brazil đang tăng do có lợi thế lớn về giá so với Việt Nam.

Công ty nghiên cứu và số liệu BMI, một đơn vị của Fitch Solutions tiếp tục dự đoán cà phê arabica giao dịch ở mức trung bình 1,8 USD/bl trong năm nay, nhưng tăng dự báo giá trung bình năm 2024 lên 1,7 USD/lb từ 1,6 USD/lb. Việc điều chỉnh này phản ánh dự đoán sản lượng giảm, đặc biệt từ nước sản xuất hàng đầu Brazil.

Giá dầu cọ đóng cửa ở mức thấp nhất gần 6 tuần do triển vọng dự trữ cao hơn tại nước sản xuất lớn thứ hai thế giới và nhu cầu chậm chạp.

Giá dầu cọ giao tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 88 ringgit, tương đương 2,28%, xuống 3.771 ringgit (827,52 USD)/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 28/6.

Mitesh Saiya, giám đốc thương mại của công ty Kantilal Laxmichand & Co có trụ sở tại Mumbai, cho biết thị trường đang chững lại do nhu cầu mờ nhạt với thị trường trọng điểm là Ấn Độ, trong khi sản xuất theo mùa đang tăng ở Malaysia.

Dự trữ dầu cọ của Malaysia vào cuối tháng 7 có khả năng tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng do sản lượng cao hơn bù đắp cho sự gia tăng xuất khẩu, một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy hôm thứ Sáu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *