Bản tin thị trường hàng hóa ngày 6/9/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 6/9/2023.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua ngày 5/9, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá, chia sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,22% lên 2.302 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 3.700 tỷ đồng.
Nhìn chung, thị trường kim loại, đặc biệt là kim loại quý chịu sức ép bán tương đối mạnh do sự mạnh lên của đồng USD trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, lực mua tích cực trên thị trường năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số hàng hoá chung MXV-Index chốt ngày trong sắc xanh. Tâm điểm toàn thị trường hướng về giá dầu thô.
Nội dung
Dầu Brent chính thức cán mốc 90 USD/thùng, cao nhất trong 9 tháng
Kết thúc ngày giao dịch 5/9, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp, sau khi tăng gần 1% và đóng cửa với mức giá 86,69 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022. Dầu Brent chốt phiên trên 90 USD/thùng, tăng 1,17% so với phiên trước đó và là mức cao nhất trong vòng gần 9 tháng.
Thông báo gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm của Saudi Arabia và Nga làm dấy lên lo ngại khả năng thiếu hụt trong mùa đông cao điểm. MXV cho biết, đây là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên hôm qua.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết quốc gia này dự kiến sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12 năm nay. Điều này gây ra bất ngờ khá lớn khi trước đó, thị trường cho rằng Saudi Arabia sẽ thông báo gia hạn kế hoạch này trong tháng 10.
Như vậy, sản lượng của nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia trong 3 tháng cuối năm 2023 dự kiến sẽ đạt mức khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Thêm vào đó, Nga cũng cho biết sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện bổ sung nguồn cung dầu cho thị trường thế giới thêm 300.000 thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 12/2023. Trước đó Nga đã cam kết tự nguyện giảm xuất khẩu 500.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8 và 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 9.
Hợp đồng tương lai Brent tháng trước được giao dịch vào ngày 5/9 ở mức cao hơn 4,37 USD/thùng so với giá kỳ hạn 6 tháng, mức chênh lệch cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Đối với hợp đồng tương lai WTI của Mỹ, chênh lệch giữa hợp đồng tháng trước và hợp đồng 6 tháng đã tăng lên tới 4,88 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Giá dầu kỳ hạn gần cao hơn khuyến khích các nhà sản xuất và thương mại bán dầu từ kho dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu ngắn hạn. Đồng thời, giá dầu tăng cao cũng khiến giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng, trong bối cảnh nhu cầu khá tích cực.
Giá xăng tại Mỹ hiện đang ở mức 3,8 USD/gallon, mức cao nhất theo mùa trong hơn một thập kỷ ngay khi kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động đánh dấu sự kết thúc của mùa lái xe cao điểm ở Mỹ. Mức trung bình 10 năm chỉ đạt khoảng 3 USD/gallon. Đây sẽ là những thách thức tiềm ẩn cho Chính phủ Mỹ và các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới trong tiến trình kiểm soát lạm phát.
Giá đường vẫn đi lên, cà phê diễn biến trái chiều
Đóng cửa ngày giao dịch 5/9, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, giá đường vẫn tăng mạnh.
Giá đường 11 dẫn dắt xu hướng toàn thị trường với mức tăng đến 3,25% so với tham chiếu. MXV cho biết lo ngại sản lượng đường thấp tại Ấn Độ khiến quốc gia này cấm xuất khẩu trong niên vụ mới khiến giá tăng.
Lượng mưa dưới mức bình thường tại các khu vực sản xuất đường chính của Ấn Độ, dẫn đến nguy sụt giảm sản lượng niên vụ 2023/24. Điều này kéo theo giá đường tại quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới tăng lên mức cao nhất trong 6 năm.
Chính phủ Ấn Độ vẫn đang xem xét khả năng cấm xuất khẩu đường dựa trên dự báo sản lượng. Do đó, sản lượng đáng lo như hiện tại càng thêm khả năng Ấn Độ sẽ không đưa đường ra thị trường quốc tế trong tháng 10 tới.
Trong một diễn biến đáng quan tâm khác, giá Arabica hồi phục hơn 1% sau 2 phiên suy yếu liên tiếp trước đó. Mặc dù mở cửa, giá Arabica vẫn chịu sức ép từ tình hình xuất khẩu tích cực tại các quốc gia cung ứng chính. Tuy nhiên, sang phiên tối lo ngại tồn kho cà phê xuống mức thấp đã giúp giá tăng trở lại.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh trong tháng 8 của Brazil đạt hơn 197.400 tấn, tăng mạnh 41,2% so với mức gần 139.888 tấn vào cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ chính phủ nước này. Đồng thời, trong tháng 8, Honduras đã vận chuyển ra quốc tế 336.500 bao loại 60kg, tăng 37,2% so với mức trên 245.230 trong tháng 8/2022, theo viện cà phê quốc gia (IHCAFE).
Tuy nhiên, tổng lượng cà phê Arabica lưu trữ trên Sở ICE đã xuống mức 484.383 bao loại 60kg, ghi nhận mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022.
Ở chiều ngược lại, giá Robusta ghi nhận mức giảm 1,21% trong phiên hôm qua khi tồn kho trên Sở ICE bất ngờ tích cực trở lại.
Tính đến hết ngày 3/9, tồn kho Robusta ghi nhận trên Sở ICE đạt mức 35.010 tấn, tăng so với mức 33.360 tấn vào ngày trước đó. Như vậy, tồn kho Robusta đã thoát khỏi mức đáy lịch sử kể từ năm 2016, từ đó gây áp lực mạnh lên giá mặt hàng này trong ngày hôm qua.
Cùng chiều diễn biến giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ đảo chiều giảm tương đối mạnh 500 đồng/kg đưa giá thu mua cà phê trong nước về mức 65.300 – 66.200 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất ghi nhận tại Đắk Nông, trong khi giá thu mua thấp nhất ghi nhận tại Lâm Đồng.
Quặng sắt quay đầu giảm
Quặng sắt Đại Liên quay đầu giảm trong khi giá tại Singapore hạn chế tốc độ tăng, khi các thương nhân cân nhắc các biện pháp của Trung Quốc nhằm hồi sinh lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, cùng với tác động của việc kiểm soát sản lượng thép có khả năng hạn chế tiêu thụ nguyên liệu sản xuất thép.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2023 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,7% lên 115,50 USD/tấn, sau khi chạm mức 117,25 USD trước đó, mức cao nhất kể từ ngày 3/4/2023.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc chốt phiên giảm 0,6% còn 846,50 CNY(116,03 USD)/tấn, sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Trung Quốc sẽ tiếp tục giới hạn sản lượng thép trong năm nay, năm thứ 2 liên tiếp không tăng sản xuất để hạn chế lượng khí thải carbon của ngành. Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thép tại Thượng Hải cũng giảm. Thép cây giảm 1%, thép cuộn cán nóng giảm 0,7%, thanh thép giảm 0,6% và thép không gỉ giảm 0,7%.
Giá đồng tại London tăng khi thị trường tiếp tục đánh giá các biện pháp vào tuần trước của Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu, để hỗ trợ thị trường bất động sản đang suy yếu.
Giá đồng chuẩn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,4% lên 8.484,5 USD/tấn vào lúc 1625 GMT.
“Đồng sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều biến động hơn khi thị trường đánh giá các biện pháp hỗ trợ của Trung Quốc”, chiến lược gia hàng hóa Ewa Manthey của ING cho biết.
Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất trong tám tháng vào tháng 8/2023, khi nhu cầu yếu tiếp tục ảnh hưởng đến Trung Quốc và kích thích không đủ để châm ngòi cho sự phục hồi đáng kể trong tiêu dùng.
Đồng, được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực điện và xây dựng, sẽ được hỗ trợ trong thời gian tới bởi yếu tố mùa vụ – mùa nhu cầu cao điểm truyền thống của Trung Quốc vào tháng 9.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến kim loại công nghiệp tuy nhiên nhập khẩu của Trung Quốc đối với một số kim loại khá mạnh, điều này cho thấy nhu cầu đang tăng lên.
Tại LME, giá nhôm giảm 0,9% xuống 2.192,5 USD/tấn, kẽm giảm 0,3% xuống 2.472,5 USD. Trong khi niken tăng 0,4% lên 21.120 USD và chì tăng 0,2% lên 2.227 USD, trong khi thiếc tăng 0,1% lên 26.405 USD.
Lúa mì, ngô tăng trong khi đậu tương giảm
Giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago tăng cao, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tháng, trong bối cảnh hoạt động mua bù thiếu và lo ngại về thời tiết khô hạn đe dọa sản xuất tại các trung tâm xuất khẩu, kể cả Úc.
Giá ngô kỳ hạn cũng tăng, trong khi thị trường đậu tương giảm bớt khi các thương nhân chờ đợi vụ thu hoạch của Mỹ bắt đầu.
Các thương nhân đang theo dõi chặt chẽ các loại cây trồng của Mỹ sau khi kết thúc mùa hè nóng và khô làm dấy lên lo ngại về thiệt hại. Tình trạng khô hạn ở các nhà xuất khẩu lúa mì lớn Australia, Argentina và Canada cũng làm dấy lên nghi ngờ về nguồn cung toàn cầu sắp tới, các nhà phân tích cho biết.
Australia đã cắt giảm triển vọng sản xuất lúa mì thêm 800.000 tấn xuống còn 25,4 triệu tấn và sản lượng dự kiến sẽ giảm 36% so với năm ngoái do thời tiết khô hạn hạn chế năng suất. Thời tiết khô hạn trong tháng 9 có thể dẫn đến việc giảm thêm, các thương nhân cho biết.
Giá lúa mì kỳ hạn kết thúc phiên tăng 3-3/4 cent lên 5,99-1/4 USD tại CBOT sau khi trước đó giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 31/5. Giá ngô tăng 4-1/2 cent lên 4,86 USD/bushel và đậu tương giảm 4-1/4 cent xuống 13,65 USD/bushel.
Tại Argentina, nơi hạn hán ảnh hưởng đến thu hoạch đậu nành, xuất khẩu hạt có dầu có thể tăng sau động thái của chính phủ cho phép các chủ hàng sử dụng thu nhập ngoại tệ để mua đậu nành.