1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 4/8/2022: Dầu thô lao dốc, mặt hàng nguyên liệu liên tục giảm

Đóng cửa ngày giao dịch 03/08, thị trường hàng hoá diễn biến phân hoá với sắc xanh đỏ đan xe trên bảng giá các mặt hàng nguyên liệu. 

Giá dầu giảm khoảng 4% trước tin tức tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, đồng thời OPEC+ sẽ nâng mục tiêu sản lượng, đồng và quặng sắt giảm, cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, lúa mì của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng.

Nội dung

Nhóm năng nượng

Dầu thô lao dốc sau số liệu tồn kho của Mỹ

MXV cho biết, giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm qua 03/08, trước sức ép nguồn cung tăng lên từ phía Iran và báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Đóng cửa, giá WTI giảm 3,98% xuống 90,66 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,74%, bật khỏi mốc 100 USD/thùng, xuống còn 96,78 USD/thùng.

Thực chất, giá đã có dấu hiệu phục hồi khi thị trường kỳ vọng báo cáo của EIA sẽ cho thấy mức tồn kho dầu thô tại Mỹ không tăng đáng kể, với số liệu của API trong rạng sáng chỉ ra mức tăng tồn kho trong tuần 29/07 khoảng 2,16 triệu thùng. Tuy vậy, thực tế, tồn kho dầu thương mại lại tăng lên đến 4,5 triệu thùng, kết hợp với lực bán kỹ thuật đã đẩy giá dầu giảm mạnh trong phiên tối.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ chững lại ở mức 19,95 triệu thùng/ngày, vẫn thấp hơn 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái là một trong các yếu tố gây áp lực lên giá. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô giảm từ 4,5 triệu thùng/ngày xuống 3,5 triệu thùng/ngày cho thấy sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ của các khách hàng tại Mỹ. Tồn kho đang có dấu hiệu tăng dần tại Cushing, một trong các kho “trung chuyển” trước khi dầu được chuyển đi xuất khẩu tại khu vực vùng Vịnh Mexico. Đây là điều mà thị trường lo ngại, nhu cầu nội địa của Mỹ chững lại, trong khi xuất khẩu suy yếu, sẽ khiến tồn kho tăng dần.

Thị trường Hàng hóa 4/8/2022: Dầu thô lao dốc, mặt hàng nguyên liệu liên tục giảm

Ngày hôm qua, cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) kết thúc với mức tăng sản lượng trong tháng 9 ở mức rất khiêm tốn 100.000 thùng/ngày, thấp hơn con số 200.000 thùng/ngày mà giới chuyên gia kỳ vọng, cho thấy khả năng cạn kiệt của OPEC+ trong việc gia tăng sản xuất. Trong tháng 6, chỉ có UAE, Gabon và Algeria đạt hạn ngạch đã đề ra. Tuy vậy, dù mức tăng nhỏ, nhưng kết hợp với các số liệu tiêu cực trong báo cáo của EIA, vẫn khiến cho lực bán gia tăng trên thị trường và khiến giá tiếp tục giảm sau cuộc họp.

Hơn thế nữa, việc Mỹ và Iran thúc đẩy việc hàn gắn thỏa thuận hạt nhân cũng gây sức ép lên giá dầu. Theo MXV, nếu hai nước này đàm phán thành công, nguồn cung dầu cho thị trường sẽ được tăng thêm khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày, và giá các sản phẩm năng lượng nhiều khả năng sẽ giảm sau đó.

Khí tự nhiên của Mỹ tăng 7%

Khí tự nhiên của Mỹ tăng 7% sau khi Freeport LNG cho biết nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tại Texas vẫn theo hướng hoạt động trở lại vào đầu tháng 10. Ngoài ra giá cũng tăng do dự báo thời tiết nóng hơn và nhu cầu điều hòa nhiều hơn trong tuần tới so với dự báo trước đó.

Khí tự nhiên giao tháng tới tăng 56 US cent hay 7,3% đóng cửa tại 8,266 USD/mmBtu. Từ đầu năm tới nay giá khí đã tăng 118% do giá tăng mạnh ở Châu Âu và Châu Á khiến nhu cầu xuất khẩu LNG của Mỹ mạnh mẽ đặc biệt kể từ khi lượng khí từ Nga sang Châu Âu giảm sau xung đột với Ukraine.

Giá khí đốt hiện giao dịch quanh 59 USD/mmBtu tại Châu Âu và 46 USD tại Châu Á.

Thị trường Hàng hóa 4/8/2022: Dầu thô lao dốc, mặt hàng nguyên liệu liên tục giảm

Nhóm Kim loại

Thị trường kim loại đỏ lửa trước sự suy yếu của ngành bất động sản

Tất cả 10 mặt hàng kim loại đồng loạt đóng cửa ngày 03/08 trong sắc đỏ. Trong đó, hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim đều suy yếu tương đối mạnh. Cụ thể, bạc ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp và đánh mất mốc 20 USD/ounce sau khi giảm 1,22% giá trị. Bạch kim cũng kết thúc chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, đóng cửa với mức suy yếu 1,82% xuống còn 885,5 USD/ounce. 

Đồng giảm do căng thẳng của Trung Quốc

Giá đồng giảm do lo lắng về căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới đồng thời lo ngại việc tăng lãi suất thêm sẽ gây sức ép cho hoạt động kinh tế toàn cầu.

Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,6% xuống 7.683 USD/tấn, giảm ngày thứ 3 liên tiếp. Đồng trên sàn Comex giảm 1,7% xuống 3,46 USD/lb.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục sụt giảm do lo lắng về căng thẳng leo thang về Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, trong khi giá quặng sắt giảm trong bối cảnh khủng hoảng ở thị trường bất động sản Trung Quốc.

Hy vọng tốc độ tăng lãi suất chậm lại và kích thích kinh tế của Trung Quốc đã giúp giá đồng phục hồi hoảng 15% sau khi chạm mức thấp nhất 20 tháng trong ngày 15/7.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore giảm do một cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm các nhà phát triển bất động sản tại Trung Quốc làm lu mờ lợi nhuận của các nhà máy đang cải thiện.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 0,8% xuống 786,5 CNY (116,44 USD)/tấn.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 9 giảm 1,5% xuống 113 USD/tấn, tiếp tục giảm giá phiên thứ 4 liên tiếp.

Tâm lý đã trở lên không vững sau khi giá quặng sắt tăng mạnh trong tuần trước. Một cuộc khảo sát riêng trong ngày 1/8 cho thấy giá nhà mới của Trung Quốc và lượng bán ra trong tháng 7 đều giảm so với tháng trước. Thị trường bất động sản Trung Quốc vốn đã phải vật lộn với khủng hoảng nợ và nhu cầu yếu, gần đây bị rung chuyển bởi một cuộc tẩy chay nợ vay thế chấp.

Giới phân tích cho biết niềm tin không thể nhanh chóng khôi phục bất chấp hỗ trợ của chính phủ với ngành này.

Thị trường Hàng hóa 4/8/2022: Dầu thô lao dốc, mặt hàng nguyên liệu liên tục giảm


Nguyên liệu Công nghiệp

Giá cao su Nhật Bản tăng

Cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp, theo xu hướng giá tăng tại Thượng Hải, do đồng JPY yếu so với USD.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch Osaka tăng 2,6 JPY hay 1,2% lên 229,6 JPY (1,72 USD)/kg.

Cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 tăng 70 CNY lên 12.070 CNY (1.787 USD)/tấn.

Đồng JPY yếu khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này giá cả phải chăng hơn khi mua bằng các đồng tiền tệ khác.

Cà phê diễn biến trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 4,75 US cent hay 2,3% lên 2,1465 USD/lb.

Thị trường tiếp tục phục hồi bởi lo ngại về nguồn cung khan hiếm, với dự trữ được ICE chứng nhận ở mức thấp nhất trong hơn 20 năm trong khi đồng nội tệ của Brazil mạnh lên gần đây cũng hỗ trợ.

Các đại lý cho biết thị trường cũng đang theo dõi chặt chẽ liệu suy thoái kinh tế có hạn chế nhu cầu cà phê hay không.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 1 USD xuống 2.026 USD/tấn.

Đường tăng

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,08 US cent hay 0,5% lên 17,77 US cent/lb. Hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất một năm tại 17,2 US cent trong ngày 1/8.

Các đại lý cho biết việc bán ra của các quỹ đã khiến giá sụt giảm gần đây nhưng tốc độ đã chậm lại trong vài phiên qua.

Thời tiết khô hạn kéo dài tại Brazil cũng hỗ trợ giá, với một số khu vực đã không có mưa trong 75 ngày.

Chính phủ Ấn Độ đã nâng giá sàn mía đường 5,2% trong ngày 3/8.

Đường trắng kỳ hạn tháng 10 tăng 5,6 USD hay 1,1% lên 527,7 USD/tấn.


Nhóm nông sản

 

Giá lúa mì của Mỹ thấp nhất 6 tháng, đậu tương giảm, ngô tăng

Lúa mì trên sàn giao dịch Chicago giảm, chạm mức thấp nhất 6 tháng, các thương nhân cho biết nguồn cung mới thu hoạch có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu hiện nay.

Đậu tương kỳ hạn cũng giảm, với triển vọng thời tiết mới nhất tốt hơn trong giai đoạn phát triển quan trọng của vụ mùa ở Mỹ. Giá dầu giảm cũng bổ sung áp lực cho đậu tương.

Ngô đóng cửa tăng sau khi biến động trong cả hai chiều trong phiên này.

Hợp đồng lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 9 đóng cửa giảm 11 US cent xuống 7,63-3/4 USD/bushel. Hợp đồng này đã giảm giá 4 phiên liên tiếp, chạm đáy tại 7,52 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 4/2.

Đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 16-3/4 US cent xuống 13,69-3/4 USD/bushel và ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 2 US cent lên 5,96-1/4 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *