Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (02/03) với diễn biến giá phân hoá. Lực bán có phần chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV- Index suy yếu 0,15% xuống 2.358 điểm.
Nội dung
Nhóm kim loại gặp sức ép
Kết thúc phiên 02/03, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của nhóm kim loại. Giá bạc giảm về 20,90 USD/ounce, trái lại, giá bạch kim tăng 0,15% lên 963 USD/ounce.
Sức ép bán giá tăng đối với nhóm kim loại quý trong bối cảnh đồng USD hồi phục mạnh mẽ. chỉ số Dollar tăng lên 105,03 điểm, lấy lại gần hết đà giảm của phiên trước đó. Một số quan chức của cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu trong ngày hôm qua đều tỏ rõ lập trường cứng rắn và cho thấy Fed có thể nâng đỉnh lãi suất lên mức cao hơn, khoảng 5,25 – 5,50%.
Đồng bạc xanh tăng khiến cho chi phí nắm giữ và đầu tư các mặt hàng kim loại quý cũng cao hơn và hạn chế sức mua. Bên cạnh đó, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý cũng có phần thất thế trước đồng USD. Tại khu vực châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh hơn dự báo, và củng cố thêm kỳ vọng tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên thị trường kim loại quý là việc dòng tiền quay trở lại với thị trường chứng khoán Mỹ khi cả ba chỉ số S&P500, Nasdaq và Dow Jones đều tăng trở lại. Tuy nhiên, bạch kim là kim loại quý duy nhất duy trì được sắc xanh và đã tăng bốn phiên liên tiếp, trong bối cảnh tình trạng mất điện ở Nam Phi khiến cho sản lượng bạch kim của nước này sụt giảm.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng trải qua một phiên giảm mạnh, 2,02% về 4,07 USD/pound. Bên cạnh những rủi ro về lãi suất, sức bán trên thị trường được gia tăng khi mà các nhà đầu tư thận trọng trước kỳ họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc. Các nhà đầu tư đang lo lắng về việc Chính phủ nước này sẽ có những thay đổi lớn về chính sách và vẫn chưa hoàn toàn hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế.
Các nhà phân tích đang dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5% – 6% trong năm nay, với lĩnh vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là động lực tăng trưởng lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2023, sau tiêu dùng. Tuy nhiên, vì những yếu tố hỗ trợ giá đồng chỉ mang tính kỳ vọng và chưa có cơ sở chắc chắn nào, nên giá đồng không giữ được đà tăng trong phiên hôm qua.
Sắt là mặt hàng kim loại cơ bản duy nhất duy trì được sắc xanh với mức tăng 0,2% lên 126.37 USD/tấn. Là kim loại được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ vì thế cũng sáng nhất trong nhóm kim loại. Những lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt bởi việc các nhà chức trách sẽ hạn chế các hoạt động sản xuất thép để giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường là một trong những lý do giúp giá quặng sắt luôn neo ở mức cao.
Cà phê diễn biến trái chiều, giá bông “bốc hơi hơn 2%”
Đóng cửa hôm qua, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều.
Arabica có phiên giao dịch khá biến động, đóng cửa giá giảm 0,74% và là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này. Sự giằng co đến từ những tác động trái chiều của số liệu xuất khẩu trong tháng 02/2023 tại các nước xuất khẩu chính. Một mặt chịu sức ép khi xuất khẩu của Honduras bất ngờ bật tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 662.314 tấn, kết hợp với Dollar Index hồi phục, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real khởi sắc, từ đó kích thích nhu cầu bán hàng của nông dân và gây sức ép khiến giá tiếp tục giảm. Mặt khác, số liệu xuất khẩu giảm mạnh 42% trong tháng 02 tại Brazil so với cùng kỳ năm 2022 cũng vẫn đưa đến những lo ngại nhất định về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hạn chế đà giảm của Arabica trong phiên hôm qua.
Robusta cũng có phiên giao dịch giằng co, đóng cửa giá chỉ tăng nhẹ 0,14 %. Những lo ngại về vấn đề hạn chế bán hàng tại Việt Nam với số liệu xuất khẩu giảm vẫn là yếu tố hỗ trợ giá trong thời gian qua.
Giá bông ghi nhận mức giảm hơn 2% trước sức ép từ số liệu bán hàng giảm mạnh. Bán hàng ròng bông Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/02 giảm mạnh 60% so với tuần trước đó về mức 170.600 kiện thể hiện lực mua yếu đi, từ dó tạo áp lực khiến giá giảm. Bên cạnh đó, Dollar Index khởi sắc trở lại đồng nghĩa với việc đồng USD mạnh lên, khiến giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường và gây sức ép khiến giá giảm.
Ở chiều ngược lại, giá dầu cọ tiếp tục bật tăng mạnh trong phiên hôm qua và đã có lúc chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Tuy vậy, đà tăng của giá đã bị thu hẹp đáng kể bởi lực bán chốt lời của các nhà đầu tư và giá đóng cửa với mức tăng 2,68%. Động lực tăng của giá trong phiên hôm nay chủ yếu đến từ sự suy yếu của đồng Ringgit, giúp dầu cọ trở nên rẻ hơn đối với người mua nước ngoài. Bên cạnh đó, triển vọng nhập khẩu của Ấn Độ sẽ khởi sắc trong thời gian tới cũng góp phần hỗ trợ giá dầu cọ. Chính phủ Ấn Độ mới đây đã tuyên bố sẽ ngừng áp dụng chính sách nhập khẩu miễn thuế đối với dầu hướng dương kể từ 01/04. Việc này sẽ giúp dầu cọ trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường nội địa và thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu.
Dầu tăng nhẹ
Giá dầu tăng bởi những dấu hiệu sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc và lo lắng về việc tăng lãi suất mạnh của Mỹ giảm đi.
Chốt phiên 2/3, dầu thô Brent tăng 44 US cent hay 0,5% lên 84,75 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 47 US cent hay 0,6% lên 78,16 USD/thùng.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng trước tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, bổ sung thêm bằng chứng sự phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sau khi loại bỏ những hạn chế về Covid-19.
Nhật khẩu dầu thô bằng đường biển của Trung Quốc từ Nga thiết lập mức cao kỷ lục trong tháng 2 do các nhà máy lọc dầu tận dụng giá rẻ.
Cũng hỗ trợ giá là các bình luận của Chủ tịch Fed Atlanta người cho biết Fed nên duy trì tăng lãi suất ổn định 0,25 điểm hiện nay trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế. Nhận xét này làm giảm những lo ngại đã dấy lên trước đó khi số liệu thất nghiệp của Mỹ đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng tăng lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn.
Dự đoán ngày càng tăng về việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất sau khi giá tiêu dùng tăng nhanh hơn dự kiến tại Pháp, Tây Ban Nha và Đức, đã khiến dầu không thể tăng cao.
Lạm phát khu vực Eurozon tăng trong tháng 2 lên 8,5% cao hơn dự kiến, theo ước tính lần đầu tiên từ cơ quan thống kê EU.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô tăng 10 tuần liên tiếp cũng gây áp lực lên thị trường. Dầu cũng bị áp lực bởi USD mạnh lên sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cho thấy thị trường việc làm mạnh mẽ.