Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV- Index quay đầu suy yếu nhẹ 0,19% xuống 2.276 điểm, kết thúc chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp trước đó. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư mạnh mẽ quay trở lại thị trường, thể hiện qua mức tăng vọt hơn 30% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt gần 4.700 tỷ đồng.
Nội dung
Đà tăng của giá dầu chững lại
Sắc đỏ quay lại thị trường dầu dưới áp lực chốt lời của các nhà đầu tư sau ba phiên tăng liên tiếp. Kết thúc phiên 29/03, giá dầu thô WTI giảm 0,31% về 72,97 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,70% về 77,59 USD/thùng.
Lực mua vẫn áp đảo thị trường trong phiên sáng và được củng cố nhờ lo ngại nguồn cung, khi mà số liệu từ Viện Dầu khí độc lập Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 6,1 triệu thùng. Những rủi ro về nguồn cung tại khu vực Iraq tiếp tục gia tăng, khi mà một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Kurdistan đã bắt đầu giảm sản lượng khi bất đồng giữa chính phủ khu vực và Baghdad kéo dài. Sản lượng của Iraq cũng có nguy cơ sụt giảm 200.000 thùng khi mà gián đoạn dòng chảy xuất khẩu qua Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 400.000 thùng/ngày. Đà tăng suy yếu dần về phiên chiều ngay cả khi dòng tiền không phân bổ vào các tài sản trú ẩn.
Sức ép bán bắt đầu áp đảo sau báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 7,5 triệu thùng, cao hơn so với cả mức dự báo và số liệu của API. Tồn kho xăng giảm 2,9 triệu thùng và cũng mạnh hơn so với ước tính trước đó, trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng nhẹ 281.000 thùng.
Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng giảm nhẹ 100.000 thùng về 12,2 triệu thùng trong tuần trước, tuy nhiên, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu, đã tăng lên 20,48 triệu thùng và cao hơn cả mức trung bình bốn tuần là 19,87 triệu thùng.
Các số liệu về nguồn cung không mang lại nhiều hỗ trợ cho giá, tuy nhiên việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ ghi nhận mức giảm về lần lượt 4,58 triệu thùng và 6,04 triệu thùng đã khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ tại các đối tác của Mỹ.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Dallas công bố hôm qua cho thấy hoạt động của các công ty sản xuất dầu suy yếu trong quý I/2023. Chi phí sản xuất gia tăng cùng với triển vọng tiêu thụ thiếu chắc chắn do rủi ro vĩ mô chung của nền kinh tế đang gây khó khăn cho các nhà sản xuất dầu.
Dòng tiền vào các thị trường tài chính nói chung khá yếu trong các phiên của tuần này, cùng với tâm lý thận trọng gia tăng trước thềm chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và GDP quý I của Mỹ được công bố khiến cho sức bán càng được gia tăng về cuối phiên.
Cà phê Arabica giảm về mức thấp nhất trong 2 tháng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/03, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê Arabica nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp với mức giảm mạnh 2,33% khi thị trường tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung. Việc thu hoạch cà phê niên vụ mới tại Brazil với triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn 2 năm trước đó đang đến gần, tạo nên tâm lý tích cực trên thị trường, từ đó thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân, bất chấp việc tỷ giá USD/Brazil Real giảm phiên thứ 3 liên tiếp khi đồng Real mạnh lên. Bên cạnh đó, sau sự chao đảo của ngành ngân hàng thời gian gần đây, tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế của người dân gia tăng, khiến nhu cầu tiêu thụ đối với cà phê phần nào bị ảnh hưởng, cũng là nhân tố góp phần gây sức ép lên giá.
Cùng chung diễn biến, dưới sức ép từ sự nới lỏng nguồn cung tại Việt Nam, Robusta cũng ghi nhận mức giảm 0,69% trong phiên hôm qua. Xuất khẩu cà phê tại Việt Nam đang dần cho thấy sự hồi phục với ước tính xuất khẩu trong tháng 3 từ Tổng cục Thống kê với 230.000 tấn, tăng mạnh so với 180.000 tấn của tháng trước cung như mức 211.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, việc lũy kế xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm vẫn thấp hơn 1,6% so với năm 2022 cũng phần nào hạn chế đà giảm của mặt hàng này.
Sau 2 phiên tăng mạnh, giá bông diễn biến khá giằng co trong phiên hôm qua, đóng cửa giá tăng 0,3% so với mức tham chiếu. Một mặt giá chịu áp lực từ việc Dollar Index khởi sắc, khiến giá bông Mỹ bớt rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường. Mặt khác, giá dầu thô tiếp tục tăng, khiến Polyester, chất thay thế chính của bông trở nên đắt hơn, từ đó kéo giá bông giao dịch trên Sở ICE đi lên và tạo ra thế cục giằng co trong phiên hôm qua.
Ở chiều ngược lại, dầu cọ ghi nhận phiên tăng giá thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung từ các nước sản xuất chính có thể bị thắt chặt trong thời gian tới. Hiệp hội các nhà máy sản xuất dầu cọ tại Malaysia ước tính, sản lượng dầu cọ trong giai đoạn 25 ngày đầu tháng 03 của quốc gia này giảm tới 22,9% so với cùng kỳ tháng trước. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Indonesia dự kiến vẫn chưa thể hồi phục trở lại do chính phủ nước này vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung dầu thực vật trong tháng lễ Ramadan. Nhờ hỗ trợ từ các thông tin trên, giá dầu cọ đóng cửa phiên hôm nay với mức tăng nhẹ 0,54%.
Đồng tăng, nhôm giảm
Giá đồng tăng trên sàn London (LME) vào thứ Tư do thị trường giảm bớt lo ngại về lĩnh vực ngân hàng, song đà tăng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng kết thúc phiên tăng 0,2% lên 8.992,5 USD/tấn.
nhu cầu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi vào quý 2 năm 2023 và điều này sẽ hỗ trợ giá.
Trái lại, giá nhôm phiên này giảm 0,3% xuống 2.382,5 USD/tấn sau khi chạm 2.423 USD, mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng 3.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên kéo dài mức tăng phiên thứ ba liên tiếp, được củng cố bởi triển vọng nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép chặt chẽ hơn và sự lạc quan về nhu cầu thép ở Trung Quốc.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch ở mức tăng 1,5% lên 890,5 nhân dân tệ (129,26 USD)/tấn.
Tuy nhiên, trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 ít thay đổi, ở mức 121,30 USD/tấn, sau ba phiên tăng liên tiếp.
Các thương nhân kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng trong mùa xây dựng mùa xuân ở Trung Quốc, trong khi các hạn chế sản xuất thép trong nước và rủi ro pháp lý được cho là đang đè nặng lên giá.
Kho dự trữ hàng hóa tại cảng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 vào tuần trước, dựa trên dữ liệu tư vấn của SteelHome, trong khi xuất khẩu hàng ngày từ Brazil đã giảm trong tháng này.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,7%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% và thép cuộn tăng 0,9%, trong khi thép không gỉ giảm 1,5%.
Lúa mì, ngô, đậu tương tăng
Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn Chicago phục hồi sau khi nhà kinh doanh ngũ cốc toàn cầu Cargill Inc cho biết họ sẽ lùi thêm một bước khỏi thị trường Nga bằng cách không còn xử lý ngũ cốc của nhà cung cấp lúa mì hàng đầu tại kho cảng xuất khẩu từ tháng Bảy. Tuy nhiên, Cargill cho biết sẽ tiếp tục vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của đất nước.
Hợp đồng lúa mì hoạt động mạnh nhất trên Sàn giao dịch thương mại Chicago tăng 5 US cent lên 7,04-3/4 USD/bushel, sau khi chạm mức 7,24 USD trong phiên giao dịch trước đó, mức giá chưa từng thấy kể từ ngày 27/2.
Giá ngô phiên này cũng tăng 3-1/4 cent lên 6,50-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 9,5 cent lên 14,77-1/4 USD/bushel, được hỗ trợ bởi những lo ngại kéo dài về sản lượng ở Argentina bị hạn hán.
Xuất khẩu lúa mì của Nga có thể bị ảnh hưởng nếu Moscow khuyến nghị tạm dừng xuất khẩu lúa mì và hướng dương, theo báo cáo kinh doanh của Nga Vedomosti vào tuần trước.