1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 29/8/2022: Thị trường hàng hóa liên tục tăng mạnh trong tuần qua

Sắc xanh hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá thế giới trong tuần vừa qua (22/08 – 28/08) với lực mua áp đảo trên cả 4 nhóm hàng nguyên liệu. Đáng chú ý, tất cả 7 mặt hàng nông sản trên Sở Chicago đồng loạt duy trì được đà tăng rất mạnh, chỉ số MXV-Index Nông sản tăng hơn 5% so với tuần trước đó, đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng. Giá cà phê Arabica dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường khi tăng đến gần 12%. Những biến động mạnh với biên độ rất rộng đã giúp hoạt động giao dịch tại thị trường trong nước bùng nổ, giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt 27%, đạt mức trung bình 5.100 tỷ đồng mỗi phiên.

Nội dung

Các mặt hàng nông sản duy trì đà tăng mạnh trong suốt tuần

Giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 bật tăng mạnh mẽ trong tuần với mức tăng 6,5%. Dù sụt giảm ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần do tình hình thời tiết thuận lợi tại Mỹ trong cuối tuần trước đó, giá đã nhanh chóng phục hồi trở lại do chất lượng cây trồng cũng như kết quả khảo sát thực địa thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh đó, nguồn cung từ châu Âu bị thắt chặt do hạn hán cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của giá.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần vừa rồi là cuộc khảo sát mùa vụ hàng năm tại Midwest. Cuộc khảo sát diễn ra trong vòng 4 ngày, với hơn 100 chuyên gia thu thập mẫu khảo sát từ gần 3.400 cánh đồng trải khắp 8 bang gieo trồng ngô lớn nhất nước Mỹ. Kết quả cho thấy hầu hết cây trồng đều chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và sâu bệnh. Năng suất ngô trung bình của các bang đoàn khảo sát đi qua đều được dự báo thấp hơn so với ước tính của USDA trong báo cáo Crop Production tháng 08. Triển vọng kém khả quan của mùa vụ tại Mỹ là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá ngô xuyên suốt tuần vừa rồi.

Giá lúa mì hợp đồng tháng 12 cũng bật tăng mạnh trong tuần trước do các nước nhập khẩu lớn liên tục mua lúa mì trực tiếp hoặc thông qua các cuộc đấu giá quốc tế để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong ngắn hạn. Giá đóng cửa tuần với mức tăng 444%.

Theo số liệu của báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Mỹ đã giao 594.273 tấn lúa mì trong tuần 12/08-18/08, cao hơn so với mức 389.914 tấn của tuần trước, cho thấy nhu cầu đối với lúa mì Mỹ có sự cải thiện. Thêm vào đó, Ai Cập đã mua 240.000 tấn lúa mì trực tiếp từ Nga mà không thông qua bất kỳ cuộc đấu giá nào.

Thị trường Hàng hóa 29/8/2022: Thị trường hàng hóa liên tục tăng mạnh trong tuần qua

Cùng với đó, đóng cửa tuần, cả ba mặt hàng họ đậu đã đồng loạt bật tăng trong bối cảnh vụ mùa tại Mỹ tiếp tục khiến thị trường lo ngại. Dẫn dắt đà tăng của cả nhóm là khô đậu khi mặt hàng này đã tăng hơn 6,5% trong tuần trước, lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 03 đến nay. Trong khi đó, đậu tương cũng đã tăng mạnh và xóa đi hoàn toàn mức sụt giảm của tuần trước đó.

Kết thúc cuộc khảo sát mùa vụ Midwest hàng năm – Crop Tour 2022, các số liệu cho thấy mùa vụ đậu tương tại Mỹ khá là đáng lo ngại khi rất nhiều bang ghi nhận tình hình kém hơn so với năm ngoái. Tại rất nhiều bang, đặc biệt là South Dakota và Nebraska, các mẫu thử cho thấy năng suất cây trồng đều thấp hơn so với niên vụ trước và rất kém khả quan. Dù tại hai bang sản xuất đậu tương lớn nhất ở Mỹ là Illinois và Iowa tình hình có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, khép lại chuyến khảo sát lần này, những số liệu chung vẫn đang nghiêng về hướng hỗ trợ đến giá. Tính trung bình cả nước, Pro Farmer đưa ra mức năng suất trung bình là 51,7 giạ/mẫu, thấp hơn so với mức ước tính 51,9 giạ/mẫu của USDA trong báo cáo Cung – cầu tháng 8 vừa qua. Điều này làm gia tăng khả năng con số này sẽ bị cắt giảm trong báo cáo tiếp theo và là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá đậu tương trong tuần vừa rồi.

Cà phê Arabica tăng vọt gần 12%, dẫn dắt toàn thị trường

Kết thúc tuần giao dịch 22/08 – 28/08, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi Arabica dẫn đầu đà tăng của nhóm với 11,6% trước lo ngại nguồn cung sụt giảm mạnh do thời tiết có xu hướng tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của cà phê niên vụ 22/23 tại Brazil.

Hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng trong tuần qua, trong đó Arabica tăng mạnh gần 12% với 5/5 phiên trong tuần đều đóng cửa trong sắc xanh. Đặc biệt, trong 03 phiên đầu tuần, giá Arabica bật tăng mạnh trước lo ngại nguồn cung niên vụ 22/23 sụt giảm mạnh tại Brazil do ảnh hưởng từ thời tiết khô hạn kéo dài và đợt không khí lạnh được dự đoán xuất hiện vào cuối tháng. Sau đó, đà tăng đã được điều chỉnh chững lại do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ vào 02 phiên cuối tuần. Đồng Real tăng giá trong tuần qua cũng là nhân tố kìm chế lực bán từ phía nông dân Brazil và hỗ trợ đà tăng của giá.

Đối với Robusta, mặt hàng này cũng ghi nhận 3/5 phiên đầu tuần tăng giá trước những lo ngại về nguồn cung tại Brazil và tồn kho có xu hướng cạn kiệt tại Việt Nam trước khi vụ thu hoạch mới bắt đầu. Tuy vậy, lực bán dần chiếm lại ưu thế trong 2 phiên cuối tuần do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ, kéo đà tăng của cả tuần chững lại còn hơn 2%.

Thị trường Hàng hóa 29/8/2022: Thị trường hàng hóa liên tục tăng mạnh trong tuần qua

Bông nối dài chuỗi 3 phiên giá tăng liên tiếp do những lo ngại về nguồn cung vẫn còn rình rập tại Mỹ khi báo cáo Tiến độ Mùa vụ vào đầu tuần cho thấy chất lượng mùa vụ đang ở mức thấp nhất cùng kỳ 05 gần đây, khi tỷ lệ tốt – tuyệt vời chỉ đạt 31%. Thêm vào đó, Pakistan, quốc gia có sản lượng bông lớn thứ 05 thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, dự kiến sẽ làm sản lượng bông nước này sụt giảm mạnh, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu và hỗ trợ giá.

Cùng chung xu hướng tăng với cà phê và bông, đường trong tuần qua cũng ghi nhận mức tăng hơn 2%. Nguyên nhân chính lý giải cho sự khởi sắc này đến từ lo ngại nguồn cung niên vụ 22/23 trên toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh khi 2 nhà cung cấp đường hàng đầu thế giới là Brazil và Ấn Độ đồng loạt dự đoán giảm. Cụ thể, Brazil, nhà cung cấp số 1 thế giới dự đoán sản lượng đường năm tới của họ sẽ giảm khoảng 6,4 triệu tấn do sản lượng mía đường suy yếu, Ấn Độ cũng đưa ra dự đoán xuất khẩu đường niên vụ tới sẽ giảm gần 30% do tồn kho đầu kỳ thấp và sự khuyến khích sản xuất ethanol.

Trong khi các số liệu khảo sát về xuất khẩu dầu cọ thô của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 08 trái chiều giữa các công ty khảo sát độc lập, việc Bộ trưởng Thương mại Indonesia thông báo, Ấn Độ cam kết nhập khẩu 2,6 triệu tấn dầu cọ với tổng giá trị 3,16 tỷ USD, được cho là nguyên nhân chính giúp mặt hàng này trở lại sắc xanh.

Cao su là mặt hàng duy nhất trong nhóm nguyên liệu công nghiệp mang sắc đỏ trong tuần qua. Nguyên nhân lý giải cho điều này đến từ việc khi trường chứng khoán Châu Á suy thoái do hoạt động của các nhà máy tại Nhật Bản vào tháng 08 tăng trưởng chậm nhất trong 19 tháng gần đây, trước bối cảnh chi phí nguyên liệu và năng lượng gia tăng cùng lo ngại suy thoái kinh tế, điều này đã làm dấy lên lo ngại sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nói chung và nhu cầu cao su nói riêng.

Giá dầu tăng trở lại trong tuần vừa qua với kỳ vọng OPEC sẽ can thiệp vào thị trường 

Giá dầu tăng trở lại trong tuần qua, khi thị trường lo ngại nguồn cung dầu sẽ bị thắt chặt trong trường hợp OPEC cắt giảm sản lượng. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2,9% lên 93,06 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3,04% lên 99,01 USD/thùng.

Thị trường Hàng hóa 29/8/2022: Thị trường hàng hóa liên tục tăng mạnh trong tuần qua

Khi cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran đi vào giai đoạn cuối, với các bên đang xem xét các dự thảo cuối cùng, và triển vọng Iran sẽ tăng sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày, thì Saudi Arabia đã lên tiếng OPEC có thể sẽ can thiệp vào thị trường. Điều này, theo giới phân tích, tức là Saudi Arabia sẽ không chấp nhận giá dầu xuống mức 90 USD/thùng. Nguồn thu ngân sách phụ thuộc lớn vào diễn biến giá dầu thô khiến cho Saudi Arabia có nhiều động lực để duy trì giá dầu ở mức cao, nhất là hiện tại không có nhiều lựa chọn để thay thế. Ngay cả UAE cũng đã lên tiếng ủng hộ cho Saudi Arabia, bất chấp năm ngoái UAE tích cực kêu gọi nâng hạn ngạch sản lượng. Trong khi đó, với các lệnh cấm vận của EU dự kiến sẽ có hiệu lực từ cuối năm, sản lượng dầu của Nga khả năng cao sẽ giảm.

Giá hàng hoá thế giới có thể gặp sức ép trong tuần này

Theo MXV, trong tuần này, giá nông sản và cà phê có thể sẽ chịu sức ép từ lực bán chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh vừa qua. Tuy nhiên, cán cân cung cầu vẫn cho thấy khả năng để giá giảm sâu ở thời điểm này là không cao. Trong khi đó, đối với nhóm kim loại và các mặt hàng dầu thô, mặc dù động lực phục hồi đã tương đối rõ ràng so với giai đoạn trước đó, tuy nhiên các yếu tố vĩ mô sẽ tiếp tục mang đến cho thị trường những biến động mạnh. Ngày hôm nay, giá dầu đang chịu sức ép sau khi một loạt các Ngân hàng trung ương như Fed và ECB phát thông điệp sẽ ngày càng mạnh tay trong việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Với các lịch báo cáo kinh tế trong tuần này, như số liệu Bảng lương Phi Nông nghiệp, khả năng cao giá sẽ chịu sức ép trở lại từ lo ngại môi trường vĩ mô suy yếu.

Sự gia tăng mạnh mẽ của đồng USD vẫn luôn là rủi ro tiềm tàng ảnh hưởng đến thị trường và gây khó khăn cho các hoạt động đầu tư cũng như kinh doanh hàng thực.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *