Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa hỗ trợ chỉ số MXV- Index tiếp tục tăng 0,86% lên 2.281 điểm. Như vậy, giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đang ở trong xu hướng hồi phục tương đối rõ, khi mà chỉ số này đã tăng đến 6 phiên, trên tổng số 7 phiên giao dịch gần nhất. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 3.500 tỷ đồng.
Nội dung
Nhóm đậu tương tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Trong ngày hôm qua, giá đậu tương đã tiếp tục nhảy vọt hơn 1,5%, ghi nhận phiên thứ 3 liên tiếp hồi phục. Sau giai đoạn giằng co khi mở cửa, phe mua đã dần chiếm ưu thế và duy trì đà tăng đến cuối phiên. Việc xuất khẩu giảm nhẹ tại Brazil là thông tin đã hỗ trợ giá.
Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ACNES) đã cắt giảm dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 03 của Brazil xuống còn 15,1 triệu tấn, từ mức 15,3 triệu tấn trong dự đoán trước. Con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức 12,2 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 03 có thể sẽ không cao như vậy. Cụ thể, trong 4 tuần đầu tháng 03 Brazil đã xuất khẩu được 9,9 triệu tấn đậu tương với trung bình 554.800 tấn mỗi ngày, ngang so với tốc độ được ghi nhận trong cả tháng 03 năm ngoái. Nếu mức trung bình hằng ngày hiện tại được duy trì đến hết tháng, Brazil sẽ kết thúc tháng 03 với chỉ khoảng 12,76 triệu tấn đậu tương xuất khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Brazil không mạnh như dự báo và có thể giảm bớt sức ép cạnh tranh lên giá đậu tương CBOT.
Ở chiều ngược lại, Hãng tin Reuters trong ngày hôm qua đã đưa ra tổng hợp dự đoán trước báo cáo Prospective Plantings của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA. Cụ thể, các chuyên gia dự đoán rằng diện tích trồng đậu tương năm 2023 của Mỹ sẽ tăng lên mức 88,24 triệu mẫu, cao hơn mức 87,5 triệu mẫu trong năm 2022. Điều này cho thấy triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn trong niên vụ tới và kìm hãm đà tăng của giá.
Khô đậu tương là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản với mức tăng hơn 2,5% trong ngày hôm qua. ANEC cũng vừa hạ dự báo xuất khẩu khô đậu tương trong tháng này của Brazil xuống còn 1,7 triệu tấn. Trong khi đó, dầu đậu tương tiếp tục duy trì đà tăng, một phần do ảnh hưởng của diễn biến dầu cọ. Theo MXV, thị trường hiện đang kỳ vọng tồn kho dầu cọ cuối tháng 03 của Malaysia sẽ giảm về dưới 2 triệu tấn, do xuất khẩu tăng nhưng sản lượng hạn chế. Tình trạng này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài tới hết tháng 04, khi mà các chính sách hạn chế xuất khẩu của Indonesia kết thúc. Đây là những thông tin đã hỗ trợ giá dầu cọ, từ đó tác động kéo giá dầu đậu tương tăng.
Thị trường kim loại đón nhận lực mua áp đảo
Kết thúc phiên 28/03, bạch kim là kim loại duy nhất đóng cửa trong sắc đỏ, với mức giảm 1,4% về 963,4 USD/ounce. Trái lại, giá bạc tăng 1,19% lên 23,42 USD/ounce.
Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá kim loại quý trong phiên hôm qua nằm ở sự dịch chuyển của dòng tiền liên thị trường. Đồng USD cùng với thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt suy yếu khiến cho các nhà đầu tư phân bổ vốn sang các loại tài sản trú ẩn khác như vàng và bạc. Chỉ số Dollar Index giảm về 102,43 điểm, mức thấp nhất trong vòng bốn phiên. Bạch kim, với vai trò trú ẩn kém hơn so với vàng và bạc, không được hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển dòng tiền này. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang lo ngại suy thoái sẽ làm suy yếu nhu cầu mua sắm ô tô. Vì thế, triển vọng tiêu thụ không mấy sáng sủa đã khiến cho giá bạch kim giảm phiên thứ ba liên tiếp.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng nhích nhẹ 0,17% lên 4,09 USD/pound. Tuy nhiên, diễn biến giá cho thấy mức giá đóng cửa thấp hơn so với mức giá mở cửa. Sau phiên tăng vào ngày 27/03, giá đồng giảm với khối lượng giao dịch tăng trong phiên hôm qua, phản ánh việc thị trường thiếu động lực tăng trưởng. Hiện giá đã kiểm nghiệm vùng 4,1 USD phiên thứ tư liên tiếp nhưng đều không thành công. Mặc dù các tổ chức lớn như Ngân hàng Goldman Sachs và Công ty giao dịch hàng hóa lớn Trafigura đều dự báo giá đồng sẽ tăng, tuy nhiên do sự hồi phục có phần chậm hơn so với kỳ vọng tại Trung Quốc, mà tới nay giá đồng vẫn chưa thể bứt phá. Bên canh đó, sau chuỗi giảm liên tiếp kể từ tháng 5/2022 đến nay, tồn kho đồng trên Sở COMEX đã tăng nhẹ lên 15.624 tấn. Áp lực nguồn cung giảm bớt cũng là yếu tố khiến cho sức mua bị hạn chế trong phiên hôm qua.
Giá quặng sắt tăng 1,66% lên 122.54 USD/tấn, và cũng là kim loại sở hữu mức tăng mạnh nhất nhóm trong phiên hôm qua. Sức mua vẫn xuất hiện và duy trì cho giá sắt trên 120 USD/tấn. Những kỳ vọng vào sự phục hồi của Trung Quốc hiện khó có thể giúp giá sắt bứt phá trước lo ngại các biện pháp kiểm soát giá của các nhà chức trách, tuy nhiên đây vẫn là yếu tố giúp cho giá sắt neo ở mức cao.
Dầu tăng giá
Giá dầu thô tăng vào thứ Ba, kéo dài đà tăng mạnh từ phiên trước do nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ khu vực người Kurd ở Iraq và hy vọng rằng tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng được kiềm chế.
Dầu thô Brent kết thúc phiên tăng 53 US cent, tương đương 0,7% lên 78,65 USD/thùng; dầu Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 39 US cent (0,5%) lên 73,20 USD/thùng.
Barclays cho biết bất kỳ đợt ngừng xuất khẩu kéo dài nào của người Kurd cho đến cuối năm sẽ có nghĩa là giá dầu Brent tăng 3 USD/thùng so với dự báo giá dầu Brent 92 USD/thùng của ngân hàng này cho năm 2023.
Thông báo hôm thứ Hai rằng First Citizens BancShares Inc sẽ mua các khoản tiền gửi và khoản vay của Ngân hàng Silicon Valley đã nuôi hy vọng cho lĩnh vực này và khiến cổ phiếu ngân hàng châu Âu tăng cao hơn.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 6,2% vào năm 2023 lên 540 triệu tấn, một dự báo hàng năm của một đơn vị nghiên cứu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Cà phê giảm, bông và dầu cọ tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 29 USD, tương đương 1,3%, xuống ở mức 2.185 USD/tấn.
Cà phê arabica giao tháng 5 giảm 3,15 cent, tương đương 1,8%, xuống 1,7375 USD/lb.
Thị trường vẫn bị giới hạn trong phạm vi giá giao dịch gần đây. Các đại lý cho biết giá robusta tăng một phàn do việc sử dụng cà phê pha trộn ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, do chi phí thấp hơn so với arabica.
Giá bông Mỹ tăng lên mức cao nhất 2 tuần vào thứ Ba, được hỗ trợ bởi đồng USD yếu hơn, trong khi các nhà đầu tư bù đắp các vị thế bán trước đó khi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng giảm bớt.
Hợp đồng bông giao tháng 5 tăng 2,7 cent, tương đương khoảng 3,4%, lên 82,22 cent/lb, trong phiên có lúc chạm 82,14 cent/lb, mức cao nhất kể từ ngày 14 tháng 3.
Giá dầu cao hơn làm cho polyester, một chất thay thế bông, đắt đỏ hơn, làm gia tăng nhu cầu bông.
Hỗ trợ thêm cho giá bông, chỉ số USD giảm so với rổ tiền tệ trong ngày thứ hai liên tiếp, khiến hàng hóa trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia tăng hơn 3% vào thứ Ba lên mức đóng cửa cao nhất trong một tuần, theo xu hướng các loại dầu thực vật khác và do dự đoán nguồn cung thắt chặt.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 6 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đóng cửa tăng 114 ringgit, tương đương 3,19%, lên 3.690 ringgit (839,02 USD)/tấn.
Giá dầu cọ tăng ngày thứ hai liên tiếp và ghi nhận mức tăng hàng ngày mạnh nhất trong 5 tuần.
Indonesia có kế hoạch đặt giá tham chiếu dầu cọ thô từ ngày 1-15/4 ở mức 898,29 USD/tấn.
Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ từ ngày 1-25/3 tăng 18,5% so với xuất khẩu trong thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 25/2, nhà khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance cho biết hôm thứ Ba.