Chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp của thị trường hàng hoá đã được kết thúc bằng phiên giao dịch hôm qua (25/08) giúp xoa dịu lo ngại về một “siêu chu kỳ tăng giá mới” sẽ xuất hiện. Kim loại là nhóm mặt hàng duy nhất có lực mua áp đảo. Trong khi đó, sắc đỏ bao trùm bảng giá của cả 3 nhóm còn lại là Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Năng lượng. Do tính chất 2 chiều của thị trường T0, nhà đầu tư có thể có lợi nhuận cả khi giá hàng hoá tăng và giảm, dòng tiền đến thị trường hàng hoá vẫn duy trì ở ngưỡng cao.
Nội dung
Dầu thô giảm mạnh trước áp lực chốt lời
Dầu thô giảm trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, trước lo ngại của thị trường về đàm phán hạt nhân Mỹ – Iran và thời điểm nhạy cảm trước hội nghị tại Jackson Hole. Cụ thể, giá WTI giảm mạnh 2,5% xuống 92,52 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1,87% xuống 98,46 USD/thùng.
Áp lực chốt lời tại vùng kháng cự mạnh đã khiến cho giá chịu sức ép ngay từ phiên sáng. Sau khi thành công trong việc giữ đà tăng trong suốt 1 tuần, thị trường đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sức ép chốt lời. Một tuần chờ đợi các phát biểu mới xung quanh đàm phán Mỹ – Iran cũng khiến cho các nhà đầu tư trên thị trường càng thêm lo ngại, nhất là khi các bên đã có dấu hiệu nhượng bộ để thúc đẩy tạo lập thỏa thuận hạt nhân mới, và có thể khiến Iran tăng lượng dầu xuất khẩu ra thị trường.
Trong khi đó, thời điểm tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ đã đi qua và nhu cầu tiêu thụ xăng suy yếu tại Mỹ trong các tuần gần đây cũng đang gây sức ép đến giá. Trong báo cáo tuần mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, nhu cầu tiêu thụ xăng đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp việc Mỹ vẫn còn đang chống dịch Covid-19 vào thời điểm tháng 08/2021.
Trong khi đó, quan chức Fed James Bullard cho biết ông cho rằng Fed nên nâng lãi suất lên mức 3,75% – 4% đến cuối năm nay, thay vì mức 2,25% – 2,5% như hiện tại. Theo ông, chỉ có mức lãi suất cao mới đủ để chống lạm phát.
Phát biểu của James Bullard ngay trước khi hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra khiến cho thị trường lo ngại rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ đưa ra quan điểm mang tính thắt chặt trong ngày hôm nay. Hiện tại, theo dữ liệu của CME Watchtool, 60% các nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Điều này sẽ khiến cho Fed nâng lãi suất 75 điểm phần trăm 3 lần liên tiếp, và là một trong các tiến trình tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay. Từ năm 1983 đến giờ, Fed đã tăng lãi suất thêm 86 lần, và trong đó có 75 lần tăng lãi suất dưới 50 điểm cơ bản.
Đồng tăng do hy vọng dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc
Giá đồng tăng do USD giảm và sau khi Trung Quốc áp dụng biện pháp kích thích mới có thể thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và nhu cầu.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,2% lên 8.130 USD/tấn, đảo lại chiều giảm 1,1% trước đó trong phiên này.
Giá đồng đã tăng 17% kể từ khi chạm mức thấp nhất 20 tháng trong ngày 15/7, nhưng vẫn giảm 25% từ mức kỷ lục hồi tháng 3.
Để thúc đẩy nền kinh tế, Trung Quốc đã bổ sung 19 chính sách mới bên cạnh những biện pháp hiện có, gồm nâng hạn ngạch đối với các công cụ tài trợ thêm 300 tỷ CNY.
Trung Quốc sẽ tập trung vào việc mở rộng việc làm và thúc đẩy các chính sách tài khóa, tiền tệ và công nghiệp để hỗ trợ ổn định thị trường việc làm.
Ngân hàng ANZ cho biết tình trạng thiếu hụt năng lượng của Trung Quốc làm nổi bật sự cần thiết đầu tư hơn nữa vào lưới điện, dẫn tới nhu cầu đồng và nhôm tăng lên. Ngân hàng này đã tăng ước tính tăng trưởng nhu cầu đồng tại Trung Quốc năm nay lên 3,6% từ 2,2%.
Cũng hỗ trợ thị trường là chỉ số USD yếu hơn khiến các hàng hóa định giá bằng USD rẻ hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.
Quặng sắt Trung Quốc tăng vượt đỉnh một tuần
Giá quặng sắt Trung Quốc đạt mức cao nhất trong hơn một tuần do các nhà máy thép trong nước tăng cường sản xuất, nhưng triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn trong bối cảnh nắng nóng và khủng hoảng bất động sản.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 2,1% lên 721,50 CNY (105,38 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 17/8, trước khi thoái lui đóng cửa giảm 0,2% xuống 705,5 CNY/tấn.
Tại Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 10 cũng đạt cao nhất kể từ ngày 17/8, nhưng sau đó giảm 0,5% xuống 103.15 USD/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc tăng lên 105,5 USD/tấn trong ngày 24/8, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Tính tới ngày 19/8, dự trữ thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc giảm xuống 2,9 triệu tấn, thấp nhất kể từ ngày 2/6, và tồn kho thép thanh ở mức thấp nhất kể từ ngày 28/1 tại 5,4 triệu tấn.
Động thái hỗ trợ nền kinh tế này của Trung Quốc gồm hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng thúc đẩy tâm lý.
Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục trải qua thời tiết nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng, trong khi đó việc cắt giảm điện để duy trì điện năng ở nước này cũng gây thiệt hại cho các doanh nghiệp công nghiệp.
Giá quặng sắt sẽ không vượt quá 110 USD/tấn tại sàn giao dịch Singapore và 750 CNY/tấn tại sàn giao dịch Đại Liên do nhu cầu thép sẽ chịu áp lực từ khủng khoảng bất động sản của Trung Quốc.
Tại Thượng Hải hợp đồng thép thanh giảm 0,3% xuống 4.052 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 4.000 CNY/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su của Nhật Bản tiếp tục mất giá phiên thứ ba liên tiếp, bởi thị trường Thượng Hải suy yếu và đồng JPY mạnh lên so với USD.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,9 JPY hay 0,4% xuống 224,8 JPY (1,64 USD)/kg.
Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 1/2023 giảm 140 CNY xuống 12.660 CNY (1.849 USD)/tấn.
Đồng JPY mạnh lên khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này đắt hơn khi mua bằng các đồng tiền khác.
Về phía nguồn cung, sản lượng cao su từ Thái Lan, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi các dự báo tiếp tục mưa lớn và lũ lụt trên cả nước, gồm tỉnh trồng cao su truyền thống phía nam.
Cà phê trái chiều
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,5 US cent hay 0,2% lên 2,395 USD/lb, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2 tại 2,4295 USD/lb.
Các đại lý cho biết thời tiết khô tại khu vực trồng cà phê của Brazil vẫn là mối lo ngại, đe dọa sự phát triển của nụ và quả cà phê, sau khi mưa nhiều trong đầu tháng khiến hoa nở một phần.
Dự trữ cà phê arabica được ICE chứng nhận trong ngày 24/8 ở mức 663.780 bao, tăng ngày thứ 7 liên tiếp sau khi xuống mức thấp nhất 23 năm tại 571.580 bao trong ngày 15/8.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 36 USD hay 1,5% xuống 2.312 USD/tấn sau khi tăng lên mức cao nhất 7,5 tháng tại 2.355 trong ngày 24/8.
Các đại lý cho biết giá tăng gần đây bởi thời tiết khắc nghiệt tại Việt Nam và nhu cầu mạnh trong nước ở Brazil.
Giá cà phê tại Việt Nam tăng trong tuần này theo xu hướng giá tăng mạnh tại London do lo ngại nguồn cung.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê nhân xô ở mức 48.100 – 50.200 đồng (2,05 – 2,14 USD)/kg, cao hơn mức 46.800 – 48.500 đồng/kg một tuần trước. Nhưng giao dịch tại Việt Nam vẫn trầm lắng do nguồn cung thấp và cạn kiệt vào cuối vụ bắt đầu từ tháng 10.
Theo dự báo thời tiết, khu vực trồng cà phê có thể bị mưa trong những tháng thu hoạch từ cuối tháng 10 tới tháng 1 năm sau. Điều đó ảnh hưởng xấu tới quá trình thu hoạch và chất lượng cà phê.
Tại Indonesia cà phê robusta Sumatra được chào bán ở mức trừ lùi 60 – 70 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch ICE, không đổi so với tuần trước.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,14 US cent hay 0,8% xuống 17,9 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn biến động, thiếu một xu hướng tổng thể rõ ràng với mức giá không xa so với giữa tháng này từ 17,20 tới 18,7 US cent/lb.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 1,6 USD hay 0,3% xuống 547,9 USD/tấn.
Nordzucker, nhà sản xuất đường lớn thứ hai của Đức cho biết họ sẽ bắt đầu mùa tinh luyện đường năm nay vào 3/9 và đã báo cáo thành công trong việc chuyển đổi thành nhiên liệu dầu ở các nhà máy tinh luyện do tình trạng nguồn cung khí không chắc chắn.
Tất cả các mặt hàng nông sản đồng loạt quay đầu giảm
Giá ngô bất ngờ đóng cửa phiên hôm qua với mức giảm 1,1%, qua đó kết thúc chuỗi 6 phiên tăng liên tục. Cuộc khảo sát mùa vụ hàng năm tại Midwest đã kết thúc ngày thứ ba tại Illinois và Iowa – hai bang sản xuất ngô lớn nhất nước Mỹ. Tại Illinois, vụ ngô năm nay chịu ảnh hưởng không hề nhỏ của khô hạn. Tuy vậy, cây trồng vẫn được đánh giá ở mức tốt nhờ triển vọng khả quan hơn ở phía tây của bang, nơi ngô có sức khỏe tốt và chất lượng khá đồng đều. Năng suất ngô trung bình năm nay tại Illinois được đoàn khảo sát dự báo ở mức 190,7 giạ/mẫu, mức tốt nhất kể từ đầu khảo sát tới nay. Tuy nhiên, điều tương tự đã không xảy ra tại Iowa. Năng suất ngô tại các khu vực đoàn khảo sát đi qua đều giảm mạnh và thấp hơn cùng kỳ năm trước cũng như mức trung bình 3 năm. Kết quả kém khả quan tại 2 bang sản xuất lớn nhất nước Mỹ đã lý giải cho mức tăng của ngô trong phiên sáng.
Đối với lúa mì, giá liên tiếp suy yếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên hôm qua và đóng cửa trong sắc đỏ, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Giống với ngô, giá lúa mì cũng chịu áp lực từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư. Đà giảm của giá chỉ phần nào bị kìm hãm bởi nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia.
Theo các thương nhân châu Âu, Đài Loan đã mua khoảng 34 nghìn tấn lúa mì từ Mỹ cho hoạt động xay xát. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng mua khoảng 118 nghìn tấn lúa mì chất lượng thực phẩm, trong đó có 57 nghìn tấn có nguồn gốc từ Mỹ. Các đơn hàng trên đều được thực hiện trong các cuộc đấu giá quốc tế kết thúc vào hôm qua.
Cùng với đó, giá đậu tương tiếp tục suy yếu và mức giảm đang dần được mở rộng. Nếu như nguồn cung tại Mỹ vẫn luôn là tâm điểm thị trường trong những ngày vừa qua thì triển vọng tại Nam Mỹ lại là yếu tố đã khiến cho lực bán hoàn toàn áp đảo trong phiên hôm qua.
Kết quả ngày thứ 3 của cuộc khảo sát mùa vụ tại Midwest – Crop Tour năm 2022 cho thấy tình trạng đậu tương tại 2 bang gieo trồng lớn nhất của Mỹ đã có những dấu hiệu tích cực hơn. Tại Illinois, mặc dù độ ẩm thiếu hụt vẫn đang là vấn đề cần quan tâm trong những ngày tới nhưng năng suất hiện tại vẫn đang được dự báo ở gần mức so với ước tính cho năm ngoái. Trong khi đó, tại Iowa, khảo sát cho thấy số lượng vỏ đậu tương trên diện tích cũng cao hơn ở nhiều quận. Những lo ngại về mùa vụ không quá nghiêm trọng như kết quả những ngày trước đã khiến cho giá đậu tương không duy trì được đà tăng mạnh.
Trong khi đó, khô đậu tương là mặt hàng nông sản có mức giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua. Đà suy yếu khi gặp phải vùng đỉnh cũ trong năm nay cùng với đà giảm chung của nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tạo áp lực lên giá mặt hàng này. Ngoài ra, công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong giai 25 ngày đầu tháng 08 đạt 906 nghìn tấn, tăng 4,9% so với mức 864 nghìn tấn cùng kỳ tháng trước. Xuất khẩu dầu cọ được đẩy mạnh cũng là yếu tố tạo sức ép gián tiếp lên giá dầu đậu tương.