Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế đối với hàng hoá nguyên liệu thế giới. Mặc dù diễn biến trái chiều khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên, đà tăng mạnh của một số mặt hàng như khí tự nhiên (tăng vọt 7,96% lên 5,61 USD/MMBtu) hay bông (tăng 3,07% lên 1.729,97 USD/tấn) đã giúp thị trường có sự khởi sắc đáng kể.
Nội dung
Giá dầu đảo chiều, tăng nhẹ trở lại
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua ngày 25/10, khi lo ngại về nguồn cung suy yếu lấn áp các rủi ro về suy thoái kinh tế. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,87% lên 85,32 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0,28% lên 93,52 USD/thùng.
Dầu thô vẫn giữ xu thế biến động mạnh trong phiên, có những lúc giá chịu áp lực giảm mạnh 1 USD/thùng dưới lo ngại về dịch Covid–19 gia tăng tại Trung Quốc đẩy một số khu vực quay trở lại tình trạng phong tỏa, cách ly. Tuy vậy, lực mua bắt đáy quay trở lại khi giá chạm sát mốc 83 USD/thùng đã giúp cho giá dầu phục hồi trở lại.
Một loạt các tổ chức, quốc gia chủ chốt đưa ra cảnh báo về tình trạng mất cân bằng nguồn cung cũng giúp giá phục hồi. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cảnh báo tình trạng sử dụng quá nhiều dầu từ kho dự trữ bây giờ có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn. Tuyên bố này có thể ám chỉ cách mà Mỹ liên tục mở kho dự trữ dầu chiến lược (SPR). Theo kế hoạch, đến hết năm nay, khoảng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ sẽ được cung cấp cho thị trường, với mục đích chủ yếu là để ngăn chặn đà tăng của giá dầu. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết khủng hoảng năng lượng có thể sẽ kéo dài khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn tồn tại. Cơ quan này cũng nhận định, thế giới vẫn sẽ cần lượng lớn dầu của Nga, ngay cả khi áp đặt trần giá.
Tuy vậy, đà tăng của giá vẫn bị chặn lại do áp lực từ lo ngại về hoạt động kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới cũng như 2 quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất. Các số liệu kinh tế đầu tuần gợi ý sự giảm tốc của cả 2 “đầu tàu” tăng trưởng, trở thành nhân tố gây áp lực lên giá dầu. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết họ tin rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ bước vào suy thoái.
Rạng sáng ngày hôm nay, Viện dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu tăng mạnh 4,5 triệu thùng, có thể là yếu tố gây áp lực cho giá, ít nhất trước khi Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA công bố số liệu chính thức tối nay.
Giá cà phê tiếp tục giảm, bông bật tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch 25/10, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục ghi nhận sự áp đảo của sắc đỏ. Cà phê vẫn chưa thoát khỏi chuỗi phiên suy yếu khi có phiên giảm thứ 10 liên tiếp. Bông bất ngờ tăng mạnh hơn 3% sau khi giảm kịch sàn trong phiên hôm qua.
Đồng Real tiếp tục suy yếu đã thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó gây áp lực lên giá. Bên cạnh đấy, mưa tiếp tục được dự báo sẽ xuất hiện tại Minas Gerais, vùng trồng cà phê chính của Brazil, sẽ hỗ trợ hơn nữa sự phát triển của cây cà phê ở thời điểm hiện tại, sẽ đưa đến triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ tiếp theo, càng kéo giá cà phê đi xuống. Đóng cửa, giá Arabica giảm 2,42% và Robusta giảm 0,26%.
Không thua kém cà phê, 2 mặt hàng đường hôm qua cũng vẫn duy trì đà giảm với phiên giảm thứ 7 liên tiếp của đường 11 và mức giảm 0,36% của đường trắng. Nguyên nhân lý giải cho sự suy yếu tiếp tục đến từ vấn đề về nguồn cung khi Hiệp hội mía đường Brazil (UNICA), sản lượng đường trong nửa đầu tháng 10 của Brazil có sự tăng trưởng vượt bậc với 1,83 triệu tấn, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đấy, các hãng tư vấn khác như Datagro và COFCO đều đưa ra dự báo ban đầu về sản lượng đường trong niên vụ 23/24 ở mức tích cực, thậm chí là thặng dư đường ở mức 1,87 triệu tấn, khiến thị trường lạc quan hơn về triển vọng nguồn cung, từ đó gây sức ép lên giá.
Ở chiều ngược lại, giá bông bất ngờ bật tăng trở lại với mức tăng hơn 3% và cũng là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nguyên liệu công nghiệp. Dollar Index giảm hơn 1%, đồng nghĩa với việc đồng Dollar Mỹ yếu đi, giúp giá bông Mỹ bớt đắt hơn đối với các khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Theo sau bông là mặt hàng dầu cọ với mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ 0,63% khi thị trường vẫn đang lo ngại về tình hình nguồn cung dầu thực vật toàn cầu. Bên cạnh đó, Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 10 đạt 1.146.132 tấn, tăng 6,6% so với mức 1.075.389 tấn cùng kỳ tháng 09.
Giá bông nhập khẩu giảm có thể là tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may trong nước
Trên thị trường nội địa, theo báo cáo mới đây nhất của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bông của nước ta trong 15 ngày đầu tháng 10 vừa qua đạt hơn 58 nghìn tấn, với trị giá 170,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu đã giảm gần 15%, tuy nhiên giá trị nhập khẩu vẫn tăng khoảng 30%. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/10, tổng nhập khẩu đạt 1,1 triệu tấn bông, tương đương giá trị 3,1 tỷ USD; thấp hơn 15% về lượng và 24% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt là tín hiệu tích cực đối với các nhà máy nhập khẩu nói riêng và ngành dệt may nước ta nói chung.
Đồng giảm do dự đoán nhu cầu chậm lại
Giá đồng giảm do thị trường tập trung vào tăng trưởng và nhu cầu đang chậm lại trên khắp thế giới, mặc dù một số yếu tố hỗ trợ giá như mức tồn kho thấp tại các kho của LME.
Đồng trên sàn giao dịch LME giảm 0,5% xuống 7.518 USD/tấn. Giá kim loại này được nhà đầu tư sử dụng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, đã giảm 30% kể từ khi đạt mức đỉnh tại 10.845 USD/tấn hồi tháng 3.
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi dự kiến giá đồng giảm xuống 6.200 USD/tấn trong ba tháng tới, bởi cuộc suy thoái do Châu Âu dẫn đầu.
Dự trữ đồng tại kho của LME đã giảm 8% kể từ ngày 13/10, xuống 134.400 tấn. Lo lắng nguồn cung khan hiếm trên thị trường đã khiến đồng giao ngay cao hơn đồng giao sau ba tháng tới 109 USD/tấn.
Dự trữ đồng tại các kho ngoại quan của Trung Quốc đã giảm xuống 25.000 tấn từ hơn 270.000 tấn hồi cuối tháng 6.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm, hợp đồng tại Đại Liên xuống mức thấp nhất 7 tuần trong khi giá tại Singapore giảm xuống dưới 89 USD/tấn do mùa nhu cầu thép cao điểm của Trung Quốc kết thúc với kết quả đáng thất vọng.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 đóng cửa giảm 1,9% xuống 669,5 CNY (91,64 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/9 tại 662,5 CNY.
Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 11 giảm 2,4% xuống 88,5 USD/tấn, sau khi xuống mức thấp nhất 11 tháng tại 88,2 USD trong phiên này.
Ở thị trường giao ngay, quặng sắt hàm lượng 62% Fe cũng tiếp tục giảm xuống dưới 100 USD/tấn, giảm khoảng 40% từ mức đỉnh năm 2022 cao hơn 160 USD/tấn một chút.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc, đặc biệt từ lĩnh vực xây dựng, thường tăng trong tháng 9 và tháng 10.
Giá thép tại Thượng Hải hầu như giảm, với thép thanh giảm 1,7%, thép cuộn cán nóng giảm 1,1%. Thép không gỉ giảm 1,3%.
Số liệu kinh tế kém hấp dẫn của Trung Quốc và đồng CNY giảm bổ sung thêm tâm lý giảm giá đang diễn ra sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngô, đậu tương tăng, lúa mì giảm
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng nhẹ do việc mua vào theo yếu tố kỹ thuật và sự hỗ trợ từ các thị trường bên ngoài.
Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 4-3/4 US cent lên 6,86-1/4 USD/bushel.
Đậu tương mạnh lên do thị trường phục hồi một phần sau những tổn thất trong phiên liền trước.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 tăng 10 US cent lên 13,82 USD/bushel.
Mưa tại khu vực Midwest dự kiến làm trì hoãn vụ thu hoạch ở một số nơi.
Lúa mì giảm bởi nhu cầu yếu và mưa thuận lợi cho các khu vực trồng trọt khô hạn của Mỹ.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 4 US cent xuống 8,34-3/4 USD/bushel.
Xuất khẩu lúa mì Biển Đen cũng gây áp lực lên giá bất chấp tính trạng không chắc chắn về tương lai của hành lang vận chuyển thời chiến từ Ukraine.