Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, giá dầu duy trì vững, khí tự nhiên cao nhất 13 năm, trong khi ngô thấp nhất 6 tuần, đồng, sắt thép, than luyện cốc và than cốc… đồng loạt giảm.
Nội dung
Giá dầu duy trì
Giá dầu duy trì vững do lo ngại nguồn cung thắt chặt, bù đắp lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra và việc kiềm chế Covid-19 của Trung Quốc.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, dầu thô Brent tăng 14 US cent lên 113,56 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas WTI giảm 52 US cent xuống 109,77 USD/thùng.
Giá dầu trong năm nay tăng, với dầu Brent trong tháng 3/2022 đạt 139 USD/thùng – cao nhất kể từ năm 2008, sau xung đột Nga – Ukraine đã dấy lên mối lo ngại nguồn cung.
Giá dầu được hỗ trợ trước đó trong phiên khi EU tiến gần hơn đến việc đồng ý với lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết, một lệnh cấm như vậy có thể sẽ được đồng ý trong vòng vài ngày tới.
Trong khi đó, dầu WTI giảm do tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 567.000 thùng, Cơ quan Dầu mỏ của Mỹ cho biết.
Giá khí tự nhiên cao nhất 13 năm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 1% lên mức cao nhất 13 năm, khi khối lượng khí đốt chảy đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên mức cao nhất 7 tuần, do dự báo nhu cầu trong tuần tới tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 5,2 US cent tương đương 0,6% lên 8,796 USD/mmBTU, sau khi tăng 8% lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2008 trong đầu phiên giao dịch.
Giá đồng giảm
Giá đồng giảm, chịu áp lực bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã kéo thị trường chứng khoán giảm, song đồng USD suy yếu đã hạn chế đà suy giảm giá đồng.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,9% xuống 9.467 USD/tấn. Giá đồng chạm mức thấp nhất 7 tháng (8.938 USD/tấn) hôm 12/5/2022, sau đó hồi phục trở lại do đồng USD giảm từ mức cao nhất 20 năm, khiến kim loại mua bằng đồng USD rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá sắt thép đồng loạt giảm
Giá than luyện cốc và than cốc tại Trung Quốc giảm 5%, chịu áp lực giảm bởi dự kiến nguồn cung tăng cao và nhu cầu từ các nhà máy thép vẫn yếu.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 5,5% xuống 2.478 CNY (371,54 USD)/tấn. Giá than cốc giảm 4,8% xuống 3.276 CNY/tấn. Giá quặng sắt giảm 3,5% xuống 831 CNY/tấn, sau khi tăng gần 7% trong phiên trước đó.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 6,5 USD lên 135 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 3,6% xuống 4.468 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 3,4% xuống 4.609 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2022 giảm 1,7% xuống 18.440 CNY/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do nguồn cung thắt chặt
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi nguồn cung thắt chặt.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Osaka tăng 1,8 JPY tương đương 0,7% lên 246,6 JPY (1,94 USD)/kg.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải không thay đổi ở mức 13.020 CNY (1.952,17 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất (13.200 CNY/tấn) kể từ ngày 22/4/2022.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 2,1 US cent tương đương 1% xuống 2,1365 USD/lb – thấp nhất kể từ giữa tháng 5/2022 (2,11 USD/lb).
Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London tăng 2 USD tương đương 1% lên 2.043 USD/tấn.
Giá đường tăng nhẹ
Giá đường thô thay đổi nhẹ, sau khi tăng trong đầu phiên giao dịch, khi Ấn Độ có động thái hạn chế xuất khẩu đường – lần đầu tiên – trong 6 năm, nhằm ngăn chặn giá nội địa tăng cao, có khả năng giới hạn xuất khẩu trong năm nay ở mức 10 triệu tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE thay đổi nhẹ ở mức 19,75 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 4,5 USD tương đương 0,8% lên 556,5 USD/tấn.
Giá ngô thấp nhất 6 tuần do dự báo bội thu, lúa mì giảm, đậu tương tăng
Giá ngô tại Mỹ giảm 1,8% xuống mức thấp nhất 6 tuần, do dự báo vụ thu hoạch bội thu.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 14-1/2 US cent xuống 7,71-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 7,62 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 11/4/2022. Giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 35-1/4 US cent xuống 11,54-3/4 USD/bushel – phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong 5 phiên. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 6 US cent lên 16,93 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng 3%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần, do hoạt động mua vào từ Trung Quốc và sự không chắc chắn về việc xuất khẩu của Indonesia được nối lại ngay sau khi lệnh cấm kéo dài 3 tuần được dỡ bỏ.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 209 ringgit tương đương 3,34% lên 6.470 ringgit (1.472,13 USD)/tấn, tăng phiên thứ 3 liên tiếp.
Indonesia – nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – đã cho phép xuất khẩu trở lại sau lệnh cấm kéo dài 3 tuần.