1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa 26/7/2023: Chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng phiên thứ sáu liên tiếp

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 26/7/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.

Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.

THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 26/7/2023.

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, mặc dù diễn biến phân hóa khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua; tuy nhiên lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index nối dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp, với mức tăng 0,58% lên 2.350 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng hơn 8% so với ngày trước đó, đạt 3.854 tỷ đồng.

Nội dung

Giá dầu WTI tiến sát ngưỡng 80 USD/thùng

Thị trường dầu thô tiếp tục đón nhận lực mua tích cực trong phiên giao dịch ngày 25/07, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu suy giảm nguồn cung tại các quốc gia sản xuất, xuất khẩu lớn. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,13% lên mức 79,63 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,09% lên mức 83,64 USD/thùng, đánh dấu phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua..

Xuất khẩu dầu thô của Nga từ các cảng Baltic và Biển Đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng khi Moscow thực hiện cắt giảm xuất khẩu. Cụ thể, tổng xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 23/07 đã giảm 311.000 thùng/ngày so với tuần trước xuống 2,73 triệu thùng/ngày.

Các số liệu cho thấy Moscow đang thực hiện cam kết cắt nguồn cung ra thị trường toàn cầu. Nguồn cung dầu thô của Nga giảm, bên cạnh việc thắt chặt của Trung Đông đã khiến các khoản chiết khấu đối với dầu thô ESPO xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc kỳ hạn tháng 9 tiếp tục thu hẹp. Điều này khiến nguồn dầu thô Mỹ cũng trở nên cạnh tranh hơn và thúc đẩy đà tăng của giá.

Trong khi đó, tại Mỹ, nhu cầu đang có xu hướng phục hồi rõ rệt trong giai đoạn mùa hè tiêu thụ cao điểm. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 06/06/2022.

Cụ thể, giá xăng thông thường tại Mỹ đang đạt trung bình 3,636 USD/gallon, cao hơn 0,1 USD/gallon so với 1 ngày trước đó. Các vùng của Trung Tây và Florida ghi nhận mức tăng mạnh nhất với khoảng 0,08 đến 0,1 USD/gallon. Việc giá xăng tăng cao có thể sẽ khiến công cuộc hạn chế lạm phát của chính quyền Biden gặp khó khăn.

Tồn kho các sản phẩm nhiên liệu, đặc biệt là dầu diesel đang ở mức thấp, cũng gây ra rủi ro tăng giá đối với dầu thô trong trường hợp nền kinh tế Mỹ mạnh hơn trong các quý cuối năm.

Các kho dự trữ dầu diesel, dầu sưởi và nhiên liệu máy bay của Mỹ đã không thể phục hồi từ mức thấp nhất trong 10 năm đạt được vào năm ngoái, khi giá cao khiến chính quyền Biden xem xét lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, khiến thị trường dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung.

Một loạt các vấn đề về nhà máy lọc dầu đã ngăn lượng hàng tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng lên. Nhìn chung, việc ngừng hoạt động ngoài kế hoạch trong tháng 6 đạt trung bình khoảng 550.000 thùng/ngày, gần gấp đôi mức ngừng hoạt động vào cùng kỳ năm ngoái với công suất gần 290.000 thùng/ngày.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/07, trái chiều so với mức dự đoán giảm của thị trường, nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu gặp áp lực trong phiên mở cửa.

Giá bông tăng 7 phiên liên tiếp, cà phê suy yếu

Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá bông dẫn đầu đà tăng với mức tăng mạnh 2,24% trong phiên hôm qua, đánh dấu phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp của mặt hàng này. Nắng nóng tại Texas, bang sản xuất bông chính của Mỹ làm dấy lên lo ngại thu hẹp nguồn cung bông. Trong khi đó, nhu cầu bông tự nhiên tăng trong bối cảnh giá dầu tăng cao đẩy giá Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên tăng theo, từ đó thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá dầu cọ đã giảm hơn 2% do áp lực chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng rưỡi. Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 07 đạt 987.414 tấn, tăng 10,8% so với mức 891.361 tấn cùng kỳ tháng trước.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu ăn trong tháng 07 của Ấn Độ dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục 1,86 triệu tấn, cao hơn gần 60% so với mức trung bình do các nhà tinh chế tăng cường mua hàng để xây dựng kho dự trữ cho các lễ hội trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế từ biển Đen.

Giá hai mặt hàng cà phê cùng suy yếu, trong đó giá Arabica giảm 0,71% và giá Robusta giảm 0,79% so với tham chiếu. Hoạt động thu hoạch cà phê sẽ tiếp tục diễn biến tích cực tại Brazil, từ đó tạo tiền đề cho việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường trong thời gian tới.

Giới quan sát cho biết, tiến độ thu hoạch cà phê tại các vùng sản xuất chính tại Brazil sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong tuần này nhờ điều kiện thời tiết khô ráo. Thu hoạch nhanh chóng khiến nguồn cung mới sẵn sàng, từ đó thúc đẩy nông dân bán hàng ra thị trường. Điều này góp phần giảm bớt lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường do hoạt động hạn chế bán hàng trước đó.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê trong nước quay đầu suy yếu. Cụ thể, cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được chào bán trong khoảng 66.400 – 67.100 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với ngày trước đó.

Quặng sắt tăng do cam kết kích thích kinh tế của Trung Quốc

Giá đồng và hầu hết các kim loại cơ bản ở London tăng sau khi Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách đối với nền kinh tế này, tập trung về thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1,8% lên 8.668 USD/tấn, sau khi chạm mức 8.698 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 14/7.

Sự phục hồi trong thị trường này cũng được hỗ trợ bởi các quỹ đầu cơ điều khiển bằng máy tính sử dụng các thuật toán phức tạp và việc mua vào để đóng lại các hợp đồng bán khống.

Giá quặng sắt tăng do cam kết của Trung Quốc cung cấp thêm hỗ trợ cho nền kinh tế, trong khi dự đoán sản lượng thép có thể hạn chế tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này có thể gây sức ép lên giá.

Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,4% lên 856,5 CNY (119,87 USD)/tấn. Trước đó hợp đồng này đã đạt 859,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2021.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 8 tăng 1,9% lên 114,8 USD/tấn, sau khi giảm hai phiên liên tiếp.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc hôm thứ hai đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế này trong bối cảnh sự phục hồi yếu sau Covid, tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu, điều đó báo hiệu sẽ có thêm nhiều kích thích.

Giá thép cũng có một số hỗ trợ từ các tin đồn trên thị trường rằng một số nhà máy ở miền đông và bắc Trung Quốc đã nhận được thông báo bằng miệng giữ sản lượng thép không cao hơn mức 2022.

Thép trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng. Hợp đồng thép cây tăng 1,2%, thép cuộn cán nóng tăng 2,2%, dây cuộn tăng 0,6% và thép không gỉ tăng 0,3%.

Ngô, đậu tương thoái lui, lúa mì bớt tăng

Lúa mì trên sàn giao dịch Chicago giảm đà tăng sau khi thiết lập mức cao nhất 5 tháng khi cuộc tấn công của Nga vào các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine làm tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu trong dài hạn. Trong khi đó ngô và đậu tương giảm do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật và dự báo thời tiết nóng tại Midwest, Mỹ trong tuần này chỉ có ảnh hưởng một thời gian ngắn.

Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2-3/4 US cent lên 7,6-1/4 USD/bushel sau khi tăng lên 7,77-1/4 USD, cao nhất kể từ cuối tháng 2. Ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 3 US cent xuống 5,65-1/4 USD/bushel và đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 4-1/2 US cent xuống 14,20 USD/bushel.