Bản tin thị trường hàng hóa ngày 23/5/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 23/5/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chỉ số hàng hoá MXV- Index chốt phiên giao dịch đầu tuần (22/05) chỉ tăng rất khiêm tốn 0,02% lên 2.153 điểm. Mức tăng này phản ánh diễn biến giá phân hoá mạnh trong ngày hôm qua.
Đà tăng mạnh của 6 trên 7 mặt hàng nông sản đã hỗ trợ chỉ số chung MXV- Index bất chấp lực bán áp đảo trên cả 3 thị trường còn lại là nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng. Đóng cửa, giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.300 tỷ đồng, cao hơn 17% so với mức trung bình ghi nhận trong tuần trước.
Nội dung
Đậu tương kết thúc chuỗi giảm giá bốn phiên liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/05, giá đậu tương đã tăng mạnh hơn 2,5%, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp suy yếu. Triển vọng nhu cầu tích cực đối với đậu tương Mỹ của Trung Quốc là thông tin đã hỗ trợ giá.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 5,3 triệu tấn đậu tương từ Brazil, thấp hơn 16% so với mức 6,3 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Theo các thương nhân, Trung Quốc đã tận dụng vụ thu hoạch đậu tương kỷ lục tại Brazil và giá rẻ để đẩy mạnh mua hàng vào đầu năm. Tuy nhiên, việc thu hoạch của Brazil bị trì hoãn đã làm chậm các chuyến hàng, trong khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra đậu tương nhập khẩu vào tháng trước khiến nhập khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ Brazil mới chỉ đạt 9,21 triệu tấn, thấp hơn 28% so với mức 12,7 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu thấp hơn từ Brazil đang là cơ hội cho Mỹ đẩy mạnh bán hàng. Nhập khẩu đậu tương có nguồn gốc Mỹ của Trung Quốc trong tháng 04 tiếp tục tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 1,82 triệu tấn. Lũy kế xuất khẩu đậu tương từ Mỹ đến Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt 18,24 triệu tấn, cao hơn so với mức 15 triệu tấn trong năm 2022. Điều này cho thấy triển vọng nhu cầu tích cực từ Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ.
Triển vọng tiêu thụ mờ nhạt gây sức ép lên giá kim loại
Ở chiều ngược lại, trên thị trường kim loại cơ bản, giá hai mặt hàng kim loại chủ chốt là đồng và quặng sắt đều chịu sức ép do triển vọng tiêu thụ mờ nhạt tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Kết phiên, giá đồng COMEX giảm 1,26% xuống 3,68 USD/pound và giá sắt giảm 3,07% xuống 102,14 USD/tấn.
Hôm qua, các ngân hàng Trung Quốc đã thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng thứ 9 liên tiếp. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, động thái giữ nguyên lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc cho thấy các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ vẫn còn hạn chế. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng chậm trong ngắn hạn và sức tiêu thụ các mặt hàng chưa có sự bứt phá.
Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ kim loại công nghiệp trở nên kém sắc hơn do lo ngại hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc có thể bị gián đoạn, khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước. Trong động thái mới nhất, Bắc Kinh hôm Chủ nhật vừa qua đã cấm công ty Micron của Mỹ bán chip bộ nhớ cho các ngành công nghiệp quan trọng trong nước do lo ngại về an ninh.
Giá dầu tăng 1%, giá khí tự nhiên giảm 7%
Giá dầu tăng 1% cùng với giá xăng tại Mỹ tăng và dự báo nhu cầu dầu trong nửa cuối năm 2023 tăng, trong khi nguồn cung từ Canada và OPEC+ mấy tuần gần đây giảm. Tuy nhiên, giá dầu được kiểm soát bởi đồng USD tăng và thị trường chờ đợi thông tin về các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 41 US cent tương đương 0,5% lên 75,99USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 6/2023 tăng 44 US cent tương đương 0,6% lên 71,99 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 0,5% lên 72,05 USD/thùng.
Tuần trước, cả hai loại dầu đều tăng 2% – tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần, sau khi các vụ cháy rừng làm gián đoạn nguồn cung dầu thô khố lượng lớn tại Alberta, Canada.
Giá xăng tại Mỹ tăng 2,8% lên mức cao nhất 1 tháng (2,6489 USD/gallon).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo về tình trạng thiếu hụt dầu trong nửa cuối năm nay khi nhu cầu dự kiến vượt cung khoảng gần 2 triệu thùng/ngày (bpd).
Một giám đốc điều hành cấp cao tại Vitol cho biết, châu Á sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng nhu cầu dầu khoảng 2 triệu bpd trong nửa cuối năm nay, mức tăng có thể dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá tăng cao.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 7%, do các thương nhân bán ra kiếm lời sau khi giá khí tự nhiên trong tuần trước tăng 14%, sản lượng tăng và dự báo nhu cầu trong tuần tới ít hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn New York giảm 18,5 US cent tương đương 7,2% xuống 2,4 USD/mmBTU. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ khi giảm 8% vào cuối tháng 4/2023.
Giá cao su giảm, cà phê robusta và đường tăng
Giá cao su tại Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong 1 tháng, do các đơn đặt hàng máy móc cốt lõi giảm gây ra mối hoài nghi về sự phục hồi, cùng với đó là giá dầu thô giảm cũng gây áp lực thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn Osaka giảm 3 JPY tương đương 1,41% xuống 209,7 JPY (1,55 USD)/kg và có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/4/2023.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 5 CNY lên 12.175 CNY (1.761,4 USD)/tấn.
Các đơn đặt hàng máy móc cốt lõi của Nhật Bản giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 3/2023, điều này cho thấy các công ty thận trọng về chi tiêu vốn trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn Singapore giảm 0,2% xuống 135,8 US cent/kg.
Giá cà phê robusta trên sàn London tăng lên mức cao nhất 12 năm, do nguồn cung thắt chặt được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh, trong khi giá cà phê arabica giảm.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn London tăng 41 USD tương đương 1,6% lên 2.629 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất 12 năm (2.641 USD/tấn) trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE giảm 2,8 US cent tương đương 1,5% xuống 1,892 USD/lb.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE tăng 0,21 US cent tương đương 0,8% lên 25,99 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London tăng 2,9 USD tương đương 0,4% lên 712,9 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) công bố thặng dư nguồn cung đường toàn cầu năm 2022/23 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023) giảm mạnh xuống 850.000 tấn từ mức 4,15 triệu tấn trong báo cáo hàng quý trước đó. Việc cắt giảm dự báo một phần do điều chỉnh giảm sản lượng tại Ấn Độ (32,8 triệu tấn từ mức 34,3 triệu tấn) và Thái Lan (xuống 11 triệu tấn từ mức 12,3 triệu tấn), mặc dù ISO chuyển tập trung sang nước xuất khẩu hàng đầu – Brazil.