1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 22/9/2022: Thông tin vĩ mô gây áp lực lên các mặt hàng kim loại và năng lượng

Đêm qua theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời cam kết tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Thông tin này đã lập tức tác động mạnh lên thị trường hàng hoá nói chung, đặc biệt là nhóm các mặt hàng kim loại và năng lượng. 

Nội dung

Thị trường kim loại gặp áp lực khi Fed mạnh tay tăng lãi suất

Sau khi liên tục biến động trong phiên, các mặt hàng trong nhóm kim loại kết thúc ngày giao dịch 21/09 với sắc đỏ chiếm ưu thế. Nhóm kim loại quý có sự phân hoá giữa hai mặt hàng bạc và bạch kim. Bạc kết phiên tại mức giá 19,48 USD/ounce, tương đương với mức tăng 1,55%. Trái lại, giá bạch kim ghi nhận đà suy yếu với mức giảm 0,74% xuống mức 916 USD/pound.

Tâm điểm của thị trường trong ngày hôm qua hướng về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, Fed đã chính thức tăng lãi suất chuẩn thêm 3/4 điểm phần trăm và cho biết lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao hơn mức hiện tại nhằm kiểm soát lạm phát vẫn đang ở mức “nóng”. Mức tăng này không gây ra bất ngờ quá lớn đối với thị trường, nhưng việc tăng lãi suất thêm 75 điểm lần thứ 3 liên tiếp và động thái quyết liệt tiếp tục thắt chặt tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, vẫn là yếu tố gây sức ép tới thị trường kim loại.

Các dự báo mới cho thấy lãi suất chính sách của Fed tăng lên 4,40% vào cuối năm nay trước khi chạm mức 4,60% vào năm 2023. Con số này tăng so với dự báo hồi tháng 6 lần lượt là 3,4% và 3,8%. Giá bạch kim và hầu hết các kim loại cơ bản đều suy yếu trước lo ngại mức lãi suất tiếp tục tăng cao sẽ gây ra rủi ro suy thoái kinh tế, làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp. Trái lại, vai trò trú ẩn an toàn đã thúc đẩy giá bạc trong phiên, trước thông tin về việc Tổng thống Nga Putin huy động quân sự một phần tại Nga, làm dấy lên căng thẳng địa chính trị gia tăng. Trước đó, giá bạch kim cũng đã tăng vọt sau tin tức, do Nga là nhà cung cấp kim loại này lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, với vai trò trú ẩn kém hơn vàng và bạc, sức ép từ Fed đã nhanh chóng đưa giá quay đầu giảm trở lại.

Thị trường Hàng hóa 22/9/2022: Thông tin vĩ mô gây áp lực lên các mặt hàng kim loại và năng lượng

Đồng COMEX đóng cửa phiên với mức giảm 1,03% xuống còn 3,46 USD/pound, và đa số các kim loại cơ bản khác cũng đều đóng cửa trong sắc đỏ. Bất chấp các tín hiệu tích cực nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, khi Trung tâm thương mại Thượng Hải đã công bố 8 dự án cơ sở hạ tầng với tổng số vốn đầu tư 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (257 tỷ Dollar Mỹ) sẽ được tiến hành, song sức ép vĩ mô lấn át và đồng Dollar Mỹ tăng mạnh đã gây áp lực trực tiếp tới các mặt hàng này trong phiên hôm qua.

Giá dầu giảm trở lại khi sức ép từ chính sách của Fed lấn át lo ngại về địa chính trị 

Giá dầu tiếp tục một phiên giao dịch biến động trong ngày hôm qua, khi tác động của việc Fed tăng lãi suất lấn át lo ngại về bất ổn nguồn cung do rủi ro địa chính trị. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/09, giá WTI giảm 1,19% xuống 82,94 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 0,67% xuống 88,8 USD/thùng.

Trong phiên, đã có lúc giá dầu WTI tăng vọt lên mức 86,5, sau thông tin Tổng thống Nga Putin cho biết sẽ tiến hành “động viên một phần” lực lượng quân đội bắt đầu từ ngày 21/09. Điều này tức là Nga sẽ sử dụng lực lượng dự bị và tăng cường chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho cuộc chiến tại Ukraine. Thông tin này làm gia tăng căng thẳng trên trên thị trường, nhất là khi Nga gợi ý có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy vậy, đà tăng của dầu bị đảo ngược, khi một loạt các thông tin tiêu cực gây sức ép lực bán trên thị trường. Mới đây nhất, theo Bloomberg, Trung Quốc vừa tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu. Với tình hình hiện tại, điều này được xem là dấu hiệu tiêu thụ dầu nội địa của Trung Quốc đang suy yếu dần, nhất là khi không có dấu hiệu nào là chính sách Zero-Covid sẽ được nới lỏng.

Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ tiếp tục giảm trong tuần 16/09, và hiện đã xuống dưới mức 19 triệu thùng/ngày, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá xăng đã liên tục hạ nhiệt. Sự suy yếu trong tiêu thụ xăng tại Mỹ là yếu tố gây sức ép trong báo cáo tối qua.

Bên cạnh đó, lực bán gia tăng sau kết quả cuộc họp Fed. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng sau 2 cuộc họp tháng 11 và tháng 12, Fed sẽ có thể giảm tốc trong quá trình tăng lãi suất. Tuy vậy, sau cuộc họp, phần lớn đã nhận định quá trình tăng lãi suất sẽ còn kéo dài đến năm 2023, đẩy nền lãi suất lên 4,5-4,75%. Dollar Index tiếp tục tăng mạnh, phá vỡ đỉnh trong năm nay, gây tác động rất tiêu cực lên giá dầu.

Sau diễn biến giá tối qua, có thể thấy rõ một điều, lo ngại về nhu cầu trong trung hạn đang lấn át các rủi ro về nguồn cung. Các yếu tố về vĩ mô sẽ tiếp tục quyết định hướng đi của thị trường, cho đến khi có sự thay đổi rõ ràng trong cân bằng cung-cầu.

Khí đốt tăng

Giá khí đốt của Anh và Hà Lan tăng vào thứ Tư trong bối cảnh lo ngại về một tác động mới đối với thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu sau khi Nga tuyên bố đang đẩy mạnh huy động quân sự tham gia chiến đấu bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ của nước này

Hợp đồng khí đốt kỳ hạn giao sau 1 tháng ở Hà Lan – tham chiếu cho thị trường châu Âu tăng 14,00 euro lên 210,00 euro mỗi megawatt giờ (MWh); tại Anh cũng tăng 15,90 pence lên 330,00 pence/therm.

Thị trường Hàng hóa 22/9/2022: Thông tin vĩ mô gây áp lực lên các mặt hàng kim loại và năng lượng

Cao su giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên 21/9 do chịu tác động nặng nề từ việc giá chứng khoán Nhật giảm và trước khi Fed công bố lãi suất (thị trường Nhật Bản đóng cửa giao dịch trước khi Fed công bố lãi suất).

Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế do hợp đồng kỳ hạn tại Thượng Hải tăng do nhu cầu dự kiến sẽ hồi phục trong bối cảnh các hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.

Hợp đồng cao su giao tháng 2 của Sở giao dịch Osaka giảm 1,2 yên, tương đương 0,5%, xuống 226,3 yên (1,57 USD)/kg.

Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 1 trên sàn Thượng Hải tăng 145 nhân dân tệ lên 13.230 nhân dân tệ (1.877 USD)/tấn.

Cà phê giảm

Giá cà phê robusta giao tháng 11 giảm 10 USD, tương đương 0,4%, ở mức 2.226 USD/tấn, sau khi tăng 1,6% vào thứ Ba.

Xuất khẩu cà phê của Uganda vào tháng 8 giảm mạnh 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bị ảnh hưởng bởi hạn hán làm tàn lụi cây trồng ở nhiều khu vực trồng của nước này và giảm năng suất, cơ quan quản lý ngành cà phê cho biết.

Giá cà phê arabica giao tháng 12 giảm 3,85 cent, tương đương 1,7%, ở mức 2,213 USD/lb.

Dầu cọ tăng 4% do nhu cầu mạnh từ Ấn Độ

Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai tăng lên mức cao nhất một tuần vào thứ Tư, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ nước mua dầu cọ nhiều nhất thế giới, Ấn Độ, và giá dầu thô tăng ở phiên trước đó (phiên 20/9) khiến cọ trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nguyên liệu diesel sinh học.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 12 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia tăng 154 ringgit, tương đương 4,12%, lên 3.891 ringgit (855,16 USD)/tấn, kéo dài mức tăng sang phiên thứ hai.

Lúa mì tăng, ngô và đậu tương giảm

Giá lúa mì kỳ hạn của Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng vào thứ Tư do lo ngại về sự leo thang trong cuộc chiến Ukraine nguy cơ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc pử khu vực quan trọng của Biển Đen.

Giá ngô và đậu tương giảm do đồng USD thiết lập mức cao nhất trong 20 năm sau khi Fed tăng mạnh lãi suất.

Đồng đô la mạnh lên thường có xu hướng làm cho ngũ cốc của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Giá lúa mì Mỹ giao tháng 12 tăng 10 cent lên 9,03-3/4 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt 9,19-1/2 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11/7.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên giảm 6-1/2 cent xuống 6,85-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 17-1/2 cent xuống 14,61-1/4 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *