Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng 0,5% lên mức 2.434 điểm, kết thúc chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trước đó. Lực mua gia tăng trên thị trường, đặc biệt là ở nhóm nông sản và kim loại với mức tăng tương đối mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng. Trong khi đó, dầu thô chỉ biến động không đáng trước một loạt các thông tin trái chiều. Giá trị giao dịch toàn Sở có sự gia tăng nhẹ, đạt 3.900 tỷ đồng, xấp xỉ với mức trung bình trong tháng 10.
Nội dung
Kim loại quý phục hồi trước triển vọng nhu cầu gia tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/10, thị trường kim loại đón nhận lực mua khá mạnh đối với nhiều mặt hàng kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc phục hồi sau 2 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,8% lên 18,69 USD/ounce. Bạch kim là mặt hàng đón nhận lực mua tích cực nhất nhóm kim loại trong phiên hôm qua, đóng cửa tại mức giá 915,1 USD/ounce sau khi tăng 3,86%.
Sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ trong nửa đầu phiên đã hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim tăng lên do áp lực nắm giữ vật chất giảm. Bên cạnh đó, thông tin về việc Chính phủ Mỹ Joe Biden có kế hoạch chi 2,8 tỷ USD để tài trợ thúc đẩy sản xuất pin xe điện của Mỹ trong những nỗ lực nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng cửa Trung Quốc cũng là yếu tố tích cực cho triển vọng tiêu thụ bạc và bạch kim. Trong một bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden đặt kế hoạch đến năm 2030, 50% tổng số xe mới được bán tại Mỹ là các mẫu xe điện hybrid hoặc plug-in hybrid cùng với 500.000 trạm sạc EV mới. Bạc, bạch kim hay đồng, những nguyên liệu quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi năng lượng xanh đều đón nhận lực mua mạnh trước thông tin này.
Tuy nhiên, sức ép vĩ mô tiếp tục là rào cản lớn đối với nhóm kim loại quý. Trong phiên tối, Chủ tịch Fed Philadelphia, ông Patrick Harker đã có những chia sẻ rằng, với những bước tiến chậm chạp trong việc kiềm chế lạm phát, ông kỳ vọng lãi suất sẽ đạt trên 4% vào cuối năm nay. Động thái quyết liệt này tiếp tục khiến bạc và bạch kim gặp áp lực trở lại vào cuối phiên.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX ghi nhận phiên tăng mạnh 2,79% lên mức 3,41 USD/pound khi dự báo từ Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế cho biết thị trường đồng sẽ thâm hụt khoảng 325,000 tấn đồng trong năm 2022, trong bối cảnh tốc độ tăng sản lượng chậm hơn tổng nhu cầu, bất chấp tiêu thụ vẫn còn đang gặp nhiều trở ngại vì sức ép vĩ mô và nền kinh tế Trung Quốc suy yếu. Báo cáo từ Cục Thống kê Kim loại thế giới cho biết, trong 8 tháng đầu năm, thị trường đồng toàn cầu ghi nhận mức thâm hụt 657.000 tấn. Lo ngại về nguồn cung thiếu hụt đã thúc đẩy giá đồng phục hồi mạnh trong phiên.
Trái lại, quặng sắt giảm 2,44% do lo ngại về nhu cầu trên thế giới tiếp tục suy yếu. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 2,3% trong năm nay so với năm 2021 do cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc. Thông tin này đã gây sức ép tới nhu cầu tiêu thụ sắt, nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của ngành thép.
Khô đậu tương tăng mạnh nhờ số liệu tiêu thụ tích cực
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá đậu tương ghi nhận mức tăng lên tới 1,38%, mức biến động mạnh nhất trong vòng 5 phiên trở lại đây. Đà tăng của giá duy trì xuyên suốt phiên hôm qua, chủ yếu đến từ việc nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Mỹ được thị trường kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tuần vừa rồi. Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales) được Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA công bố tối qua đã xác nhận kỳ vọng trên là chính xác.
Dữ liệu từ báo cáo Export Sales cho thấy, khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ trong tuần từ 07/10 đến 13/10 đạt 2,34 triệu tấn, tăng tới 222,4% so với tuần trước đó, đồng thời nằm trong khoảng dự đoán của thị trường. Bên cạnh đó, USDA cũng báo cáo về 2 đơn hàng đậu tương lớn được ký kết trong ngày hôm qua, gồm 1 đơn 201.000 tấn tới Trung Quốc và 132.000 tấn cho một quốc gia giấu tên. Các thông tin trên phản ánh nhu cầu nhập khẩu đậu tương từ Mỹ hiện đang ở mức cao, trong bối cảnh đang là cao điểm vụ thu hoạch tại nước này, và đã hỗ trợ mạnh cho giá đậu tương trong phiên hôm qua.
Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của cả nhóm trong phiên hôm qua, với mức tăng lên tới gần 3%, qua đó kết thúc chuỗi 5 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Theo báo cáo Export Sales, Mỹ đã bán được 542.340 tấn khô đậu niên vụ 22/23 trong tuần đánh giá, tăng 10,3% so với tuần trước đó và sát với mức cao nhất trong khoảng dự đoán của thị trường đối với số liệu này. Khối lượng bán hàng của Mỹ được cải thiện, cùng với sự hỗ trợ của lực mua kỹ thuật ở vùng giá 400 cents, đã giúp giá khô đậu tương tăng mạnh. Trong khi đó, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất trong nhóm suy yếu trong phiên hôm qua và kết thúc chuỗi 3 phiên tăng giá liên tục. Trong phiên sáng, giá liên tục khởi sắc nhờ nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng của giá dầu thô và dầu cọ, cũng như số liệu bán hàng khả quan của Mỹ. Trong báo cáo Export Sales, USDA cho biết nước này đã bán 9.317 tấn dầu đậu tương trong tuần 07/10-13/10, tăng 182,5% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, sức ép từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư trong phần còn lại của phiên giao dịch đã khiến giá quay đầu giảm trở lại và đóng cửa với mức giảm 0,31%.
Dầu biến động nhẹ
Giá dầu gần như đi ngang trong phiên giao dịch thứ Năm (20/10) đầy sôi động do có 2 yếu tố tác động trái chiều: lo ngại về lạm phát làm giảm nhu cầu đối với dầu và thông tin Trung Quốc đang xem xét nới lỏng các biện pháp kiểm dịch COVID-19 đối với du khách.
Dầu thô Brent giảm 3 cent xuống 92,38 USD/thùng. Giá dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 11 – đáo hạn vào thứ Năm (20/10) tăng 43 cent lên 85,98 USD/thùng; dầu WTI giao tháng 12 giảm 1 US cent xuống 84,51 USD/thùng.
Để chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng làm cho nền kinh tế tăng chậm lại và sẽ tiếp tục nâng lãi suất ngắn hạn, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia Patrick Harker cho biết hôm thứ Năm.
Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group ở Chicago cho biết: “Harker đang nói rằng cuộc chiến chống lạm phát mới bắt đầu. “Vì vậy, có vẻ như thị trường đang trở nên căng thẳng.”
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ giá cả là Bắc Kinh đang xem xét cắt giảm thời gian cách ly đối với du khách từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, hãng tin Bloomberg đưa tin hôm thứ Năm.
Khí gas chạm đáy 7 tháng
Hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 sau khi một báo cáo từ liên bang cho thấy lượng dự trữ vào tuần trước lớn hơn dự kiến và thị trường dự kiến sản lượng sẽ tăng.
Hợp đồng khí đốt giao sau 1 tháng giảm 1,9% xuống 5,358 USD/mmBtu, sau khi có lúc giảm xuống 5,253 USD/mmBtu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các đơn vị đã bổ sung 111 tỷ feet khối (bcf) khí vào kho trong tuần kết thúc vào ngày 14 tháng 10, nhiều hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 105 bcf trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản theo xu hướng đi xuống ở thị trường Thượng Hải và bị sức ép bởi thị trường trong nước sự suy yếu, trong bối cảnh những biện pháp mới chống COVID-19 ở Trung Quốc làm giảm nhu cầu và tâm lý rủi ro.
Hợp đồng cao su giao tháng 3 của Sở giao dịch Osaka giảm 2,6 yên, tương đương 1,1%, xuống 225,4 yên (1,50 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 325 nhân dân tệ xuống 12.375 nhân dân tệ (1.712 USD)/tấn.
Cà phê arabica thấp nhất trong 13 tháng
Giá cà phê arabica trên sàn ICE giảm phiên thứ 7 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong gần 13 tháng, khi các đại lý tập trung vào yếu tố thời tiết thuận lợi ở Brazil, Trung Mỹ, Mexico và Colombia, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu.
Cà phê arabica giao tháng 12 giảm 1,25 cent, tương đương 0,7%, xuống 1,9105 USD/lb, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 23/9/2021 là 1,8820 USD.
Cà phê robusta giao tháng 1/2023 tăng 41 USD, tương đương 2,1% lên 2.041 USD/tấn.
Dầu cọ quay đầu giảm
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai biến động mạnh trong phiên 20/10, tăng vào đầu phiên nhưng quay đầu giảm vào cuối phiên do các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất trong 7 tuần, nhưng những bất ổn về nguồn cung dầu ăn toàn cầu vẫn hỗ trợ giá.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 1 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 18 ringgit, tương đương 0,44%, xuống 4.100 ringgit (867,36 USD)/tấn.
Tâm lý nhà đầu tư cũng bị đè nặng bởi dữ liệu từ cơ quan khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance cho thấy xuất khẩu dầu cọ Malaysia từ ngày 1 đến 20 tháng 10 giảm 8,4% so với tháng trước.