1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường hàng hóa 20/9/2023: Chỉ số hàng hoá MXV-Index suy yếu ba ngày liên tiếp

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 20/9/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.

Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường. Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.

THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 20/9/2023.

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt ngày hôm qua 19/9, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, lực bán có phần chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu nhẹ 0,04% xuống 2.313 điểm, nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường phục hồi mạnh, thể hiện qua giá trị giao dịch tăng vọt 40%, đạt gần 4.600 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây.

Đà suy yếu chủ yếu đến từ mức giảm mạnh của nhóm nông sản và kim loại. Trong khi đó, sức mua từ nhóm năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã kiềm chế đà giảm chung của thị trường.

Nội dung

Giá đường cao nhất trong vòng 12 năm

Kết thúc ngày giao dịch 19/9, sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Tâm điểm dồn về giá đường 11 khi mặt hàng này ghi nhận mức tăng 1,22%, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức 604,95 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong 12 năm của mặt hàng này. MXV cho biết lo ngại sản lượng đường giảm sâu tại Ấn Độ và Thái Lan tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.

Hiện tượng thời tiết El Nino tiếp tục khiến thời tiết khô hơn bình thường tại khu vực sản xuất mía đường, nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất đường tại Ấn Độ và Thái Lan. Do đó sản lượng đường sụt giảm cộng với giá dầu cao đang kích thích các nhà máy ưu tiên mía ép cho chiết xuất ethanol, khiến nguồn cung cho sản xuất đường đi xuống.

Với thị trường cà phê, giá Arabica tăng nhẹ 0,85% trong phiên hôm qua, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này, đồng thời đưa giá chạm mức cao nhất trong hơn một tháng. Thời tiết khô ráo và ấm hơn mức bình thường làm tăng lo ngại sản lượng cà phê không được đủ cho niên vụ tới tại Brazil.

Theo giới quan sát, lượng mưa dần ít hơn kết hợp với nhiệt độ tăng lên sẽ xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil trong thời gian tới. Điều này có thể dẫn đến thiếu ẩm cho cây cà phê phát triển tốt nhất, từ đó ảnh hưởng không tốt đến mùa vụ 2024/25.

Ở chiều ngược lại, giá Robusta quay đầu giảm hơn 1% khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục tại Uganda, quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 3 thế giới, theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), vào tháng 8, quốc gia này đã xuất khẩu 743.517 bao 60 kg, cao hơn 48,2% so với khối lượng vận chuyển trong cùng tháng năm trước. Đây là con số xuất khẩu trong một tháng cao nhất của Uganda.

Theo sát diễn biến giá Robusta thế giới, sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt suy yếu sau 5 ngày liên tục tăng mạnh. Sau điều chỉnh giảm từ 300 – 400 đồng/kg, giá cà phê trong nước được thu mua trong khoảng 67.300 – 68.100 đồng/kg.

Giá dầu suy yếu từ mức đỉnh 10 tháng

Trên thị trường năng lượng, giá khí tự nhiên nối dài đà tăng mạnh từ ngày trước đó. Đóng cửa, mặt hàng này tăng vọt 4,4% lên 2,85 USD/MMBtu. Theo MXV, số liệu từ báo cáo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tiếp tục hỗ trợ giá khí tự nhiên. Cụ thể, EIA cho biết, tổng sản lượng khí tại các lưu vực đá phiến lớn sẽ giảm 0,3 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) so với tháng 9, xuống mức 98,4 bcfd trong tháng 10. Điều này khiến sản lượng khí đốt theo xu hướng giảm tháng thứ 3 liên tiếp, làm dấy lên lo ngại thâm hụt nguồn cung.

Ở chiều ngược lại, kết thúc ngày giao dịch 19/9, giá dầu đã giảm từ mức đỉnh trong hơn 10 tháng do tâm lý các nhà đầu tư thận trọng hơn trước thềm diễn ra cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm nay.

Cụ thể, giá dầu WTI giảm nhẹ 0,11 % xuống 90,48 US/thùng sau khi đạt mức đỉnh 92,43 USD/thùng trong phiên. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 94,34 USD/thùng sau khi giảm 0,1%.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn đang là yếu tố chi phối chính tới xu hướng giá dầu. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư đã đóng trạng thái và chốt lời, nhất là trước biến động từ cuộc họp của Fed vào đêm nay.

Sau khi dầu Brent vượt mức 95 USD/thùng trong phiên hôm qua, ngân hàng đầu tư UBS lưu ý rằng các quỹ của ngân hàng bắt đầu chốt lời. Tuy nhiên, các chiến lược gia UBS kỳ vọng giá dầu Brent sẽ giao dịch ở mức 90 – 100 USD/thùng trong những tháng tới, với mục tiêu cuối năm đạt trung bình 95 USD/thùng.

Giá dầu hạ nhiệt trước khi cuộc họp của Fed diễn ra phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư về yếu tố vĩ mô. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen cho biết gần đây giá dầu tăng là điều không mong muốn, nhưng cần ổn định kịp thời khi nền kinh tế Mỹ đang trên đà ‘hạ cánh mềm’. Thông điệp này cho biết kỳ vọng của thị trường giá dầu sẽ ‘ổn định và dần hạ nhiệt’.

Giá dầu tăng cao làm tăng chi phí năng lượng và đang gây áp lực lên lạm phát. Điều này làm khó khăn hơn cho nhiệm vụ của Fed trong việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đêm nay ở mức cao hiện tại 5,25 – 5,5%.

Các Ngân hàng Trung ương của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Na Uy cũng sẽ đưa ra quyết định lãi suất trong tuần này.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 5,25 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/9, cao hơn so với mức dự báo giảm 2,2 triệu thùng của thị trường và thúc đẩy nhẹ giá dầu trong phiên mở cửa.

Đồng giảm trước cuộc họp của Fed

Giá đồng tiếp tục giảm do tồn kho tăng và do các nhà đầu tư lo lắng trước cuộc họp chính sách của Fed rằng lãi suất cao kéo dài có thể làm giảm nhu cầu kim loại.

Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,8% xuống 8.294 USD/tấn sau khi giảm 0,6% trong phiên trước.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự kiến không tăng lãi suất nhưng các thị trường tài chính lo sợ khả năng họ có thể giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát.

Trung Quốc đã triển khai các biện pháp kích thích vừa phải nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn mờ nhạt và các nhà đầu tư lo ngại về lĩnh vực bất động sản đang ngập trong nợ nần của nước này. Sự lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ về Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 10 tại Thượng Hải giảm 0,8% xuống 68.790 CNY (9.426,52 USD)/tấn.

Các nhà đầu tư đang theo dõi áp lực giảm giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc với USD của Mỹ, điều này có thể cũng ảnh hưởng tới nhu cầu của Trung Quốc đối với các kim loại công nghiệp. Từ đầu năm tới nay đồng nhân dân tệ đã giảm hơn 5% so với đồng USD.

Dự trữ đồng của sàn LME đã tăng 175% kể từ giữa tháng 7 lên 149.600 tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Giá quặng sắt tiếp tục giảm do nguồn cung trong nước lớn và những lo ngại kéo dài về nhu cầu trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản sụt giảm.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 0,69% xuống 862,5 CNY (118,19 USD)/tấn sau khi giảm 0,2% trong phiên liền trước.

Tại Singapore quặng sắt giao tháng 10 giảm 0,87% xuống 120,7 USD/tấn, phục hồi một phần sau khi giảm trong đầu phiên và duy trì trên ngưỡng tâm lý 120 USD/tấn.

Nguồn cung trong nước tăng gây sức ép lên thành phần sản xuất thép quan trọng này, sản lượng khai thác tổng cộng đạt 659,17 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Lo ngại về thị trường bất động sản vẫn kéo dài, mặc dù được xoa dịu sau khi nhà phát triển Trung Quốc Country Garden được sự chấp thuận của các chủ nợ để gia hạn trả nợ cho một trái phiếu nội địa khác.

Tuy nhiên, các thành phần sản xuất thép khác tiếp tục tăng, than luyện cốc và than cốc tại Đại Liên tăng lần lượt 1,1% và 0,3% bởi nguồn cung khan hiếm.

Giá thép tăng tại Thượng Hải, thép cây tăng 0,29%, thép cuộn cán nóng tăng 1,31% và dây thép cuộn tăng 0,49%. Trong khi đó thép không gỉ giảm 0,23%.

Đậu tương giảm xuống thấp nhất một tháng, lúa mì giảm

Giá đậu tương tại sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm sau một phiên biến động, bởi đánh giá vụ mùa hàng tuần của Mỹ tốt hơn dự kiến và sự cạnh tranh xuất khẩu từ Brazil đẩy thị trường này giảm phiên thứ 3 liên tiếp.

Đậu tương CBOT giao tháng 11 đóng cửa giảm 1-1/4 US cent xuống 13,15-1/2 USD/bushel, sau khi giảm xuống 13,08 USD/bushel, mức thấp nhất của hợp đồng này kể từ ngày 16/8.

Lúa mì giảm 1,2%, giảm phiên thứ hai liên tiếp do việc bán ra theo yếu tố kỹ thuật và cạnh tranh xuất khẩu từ các nhà cung cấp Biển Đen gồm Nga và Ukraine.

Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 12 giảm 7-1/4 US cent xuống 5,84 USD/bushel.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *