Bản tin thị trường hàng hóa ngày 18/7/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.
Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.
THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 18/7/2023.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần với lực bán hoàn toàn áp đảo. 23 trên 31 mặt hàng giảm giá kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 1,1% xuống 2.221 điểm.
Tuy nhiên, đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường bật tăng mạnh trở lại, thể hiện qua giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt hơn 60% so với ngày trước đó, đạt gần 5.000 tỷ đồng, cao nhất trong 2 tuần trở lại đây.
Nội dung
Cà phê Arabica giảm mạnh, Robusta duy trì đà tăng nhẹ
Giá cà phê Arabica dẫn đầu đà suy yếu của toàn thị trường với mức giảm 3,11% xuống 3.434,8 USD/tấn. Nguồn cung dần khởi sắc đang đưa đến triển vọng tích cực hơn cho hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil, quốc gia cung ứng Arabica lớn nhất thế giới trong thời gian tới. Hiện tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil tiếp tục được đẩy nhanh nhờ điều kiện thời tiết khô ráo, kết hợp cùng dự báo sản lượng cà phê Arabica sẽ gia tăng trong năm 2023 tại quốc gia này, giúp thị trường đánh giá tích cực hơn về nguồn cung. Đây cũng là cơ sở để nông dân Brazil đẩy mạnh bán cà phê vụ mới trong nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá cà phê Robusta khởi sắc với mức tăng nhẹ 0,47%. Tồn kho Robusta trên Sở ICE giảm sâu khiến thị trường lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung quay lại. Tồn kho Robusta trên Sở ICE kết thúc ngày 13/07 ở mức 54.220 tấn, thấp nhất kể từ 2016. Cùng với đó, việc xuất khẩu cà phê tương đối chậm tại Việt Nam, nhà cung cấp Robusta lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2023 vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá. Ước tính, lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đầu năm của nước ta giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ tiếp tục tăng khoảng 100 -200 đồng/kg. Theo đó, cà phê được thu mua trong khoảng 65.000 – 65.700 đồng/kg. So với đầu tháng 07, giá cà phê trong nước hiện cao hơn khoảng 900 đồng/kg.
Giá dầu gặp áp lực
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/07, tất các 5 mặt hàng trên nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, giá của cả hai mặt hàng dầu thô đều giảm hơn 1,5%, và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,68% xuống 74,15 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,72% xuống 78,5 USD/thùng.
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng của quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, là nguyên nhân chính khiến giá dầu gặp áp lực. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 4,5% trong quý I/2023, thấp hơn mức dự báo 7,3% của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Trên cơ sở hàng quý, GDP của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng nhẹ 0,8% so với quý trước, thấp hơn mức tăng 2,2% trong 3 tháng đầu năm. Nhìn chung, hàng loạt thách thức kinh tế bao gồm rủi ro giảm phát, xuất khẩu giảm và lĩnh vực bất động sản suy yếu tại Trung Quốc vẫn là rào cản cho đà tăng của giá dầu bất chấp nguồn cung bị thu hẹp.
Thêm vào đó, một vài lo ngại về nguồn cung gián đoạn vào cuối tuần trước đã được giải quyết, cũng làm gia tăng áp lực bán trên thị trường dầu thô. Hoạt động sản xuất tại các mỏ dầu Sharara và El Feel của Libya đã được khôi phục trở lại sau các cuộc biểu tình. Mỏ Sharara là một trong những khu vực sản xuất lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày.
Việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, đẩy giá dầu tăng cao đang khiến nhà nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Brazil. Theo hãng tin Reuters, một số thương nhân cho biết quốc gia này đã đặt gần 1 triệu thùng dầu thô/ngày của Brazil cho giao hàng tháng 08 và tháng 09. Điều đó cũng đẩy sản lượng dầu thô của Brazil gia tăng và gây áp lực tới giá dầu.
MXV nhận định, bài toán tăng trưởng tại các nước tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới như Trung Quốc hay Mỹ vẫn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây áp lực tới giá dầu. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cản trở xu hướng tăng giá của dầu thô. Mức độ sẽ còn phụ thuộc và các dữ liệu kinh tế trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, với tình hình nguồn cung thắt chặt, và khả năng thị trường dầu thô rơi vào trạng thái thâm hụt trong quý III từ 0,5 đến 1 triệu thùng dầu/ngày như dự báo từ các tổ chức năng lượng lớn, dầu thô vẫn sẽ duy trì trên vùng giá 70 USD/thùng đối với dầu WTI và 75 USD/thùng đối với dầu Brent, ít nhất là cho tới đầu tháng sau.
Giá quặng sắt rời khỏi mốc cao nhất nhiều tháng, thép, đồng đều giảm
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore đều rời khỏi mốc cao nhất nhiều tháng đạt được trong phiên trước đó, do các thương nhân cân nhắc gói dữ liệu kinh tế hỗn hợp từ Trung Quốc với kỳ vọng có thêm các biện pháp kích thích.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Đại Liên giảm 0,9% xuống 832,5 CNY (116,05 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất 4 tháng trong phiên trước đó.
Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn Singapore giảm 1,7% xuống 112,3 USD/tấn, sau khi tăng 4 phiên liên tiếp lên mức cao nhất 3 tháng trong phiên trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,6%, thép cuộn cán nóng giảm 1,5%, thép cuộn giảm 2,1% và thép không gỉ giảm 1,5%.
Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc và than cốc đều giảm 1,8% và 1,9% theo thứ tự lần lượt.
Trong tháng 6/2023, sản lượng công nghiệp Trung Quốc đứng đầu dự báo với mức tăng 4,4% so với cùng tháng năm ngoái. Sản lượng thép thô tăng 1,1% so với tháng trước đó và tăng 0,4% so với cùng tháng năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số bán bất động sản giảm mạnh so với tháng trước đó và giảm mạnh nhất trong năm nay, trong khi đầu tư giảm mạnh với 2 con số.
Đồng thời, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2023 giảm mạnh nhất trong 3 năm.
Giá đồng giảm, sau số liệu kinh tế yếu kém từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – làm giảm kỳ vọng nhu cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,2% xuống 8.486,5 USD/tấn, sau khi tăng 3,6% trong tuần trước đó.
Số liệu quý 2/2023 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,8% so với quý trước đó, do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu.
Giá các kim loại cơ bản giảm bất chấp đồng USD chạm mức thấp nhất 15 tháng, sau tuần giảm mạnh nhất trong năm.
Giá lúa mì và ngô giảm, đậu tương tăng
Giá ngũ cốc tại Mỹ giảm, khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu tại Biển Đen.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì giảm 7-3/4 US cent xuống 6,53-3/4 USD/bushel và giá ngô giảm 7-3/4 US cent xuống 5,06 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương tăng 7-1/4 US cent lên 13,78 USD/bushel.
Giá lúa mì và ngô giảm sau khi tăng lên mức cao nhất 2 tuần trong đầu phiên giao dịch, khi Nga tuyên bố rời bỏ thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Nga từ lâu đã đe dọa từ bỏ cái được gọi là không đáp ứng yêu cầu nới lỏng các quy định đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.