1
Quý khách
cần hỗ trợ ?

Thị trường Hàng hóa 16/6/2023: Giá nông sản, năng lượng hồi phục mạnh

Bản tin thị trường hàng hóa ngày 16/6/2023 có những điểm đáng chú ý gì mời quý Nhà đầu tư cùng theo dõi.

Bản tin nhận định thị trường là bản tin do đội ngũ phân tích có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực đầu tư hàng hóa của THC thực hiện dựa trên các tin tức trên toàn thị trường, Bản tin được cập nhật sớm mỗi ngày nhằm mang những thông tin bổ ích đến quý Nhà đầu tư một cách kịp thời nhất. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quý Nhà đầu tư để chúng tôi có động lực phát triển hơn nữa.

THC xin gửi đến quý Nhà đầu tư những nhận định thị trường hàng hóa trong phiên giao dịch ngày 16/6/2023.

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày hôm qua (15/6). 26 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt tăng giá, đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng mạnh 2,39% lên 2.218 điểm, nối dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp. 

 Thị trường Hàng hóa 16/6/2023: Giá nông sản, năng lượng hồi phục mạnh

Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng mạnh với mức tăng hơn 17%, đạt gần 6.000 tỷ đồng, cao hơn 16% so với giá trị giao dịch trung bình ghi nhận trong tuần trước.

Nội dung

Khí tự nhiên tăng vọt 8%, dầu thô tăng mạnh 3%

Năng lượng là thị trường ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong ngày hôm qua. Chỉ số MXV- Index Năng lượng (đo lường biến động của các mặt hàng trong nhóm) tăng tới 3,72%, lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây. Giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 8% trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25% trong cuộc họp ngày hôm qua. Trong khi trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm thời giữ nguyên lãi suất. Điều này đã kéo đồng Euro đạt mức cao nhất trong 5 tuần so với đồng USD.

Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho lực mua trên thị trường do chi phí mua hàng trở nên rẻ hơn tương đối so với người mua bằng đồng tiền thương mại khác.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 15/06, được thúc đẩy bởi tình hình tiêu thụ khả quan của Trung Quốc, cùng các dấu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Ngoài ra, mối lo nguồn cung sụt giảm vẫn tiềm ẩn, hỗ trợ cho giá dầu. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 3,44% lên mức 70,62 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,37%, lên mức 75,67 USD/thùng.

Thị trường Hàng hóa 16/6/2023: Giá nông sản, năng lượng hồi phục mạnh

Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, thông lượng lọc dầu (lượng dầu thô được đưa vào các nhà máy để chế biến) của Trung Quốc trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 62 triệu tấn, mức cao thứ 2 được ghi nhận, chỉ sau tháng 3 năm nay. Con số này cũng cao hơn 0,9 triệu tấn so với tháng 4.

Các nhà máy lọc quay trở lại sau thời gian bảo trì, và nguồn dầu giá rẻ có lợi cho biên lợi nhuận sản xuất đã thúc đẩy hoạt động lọc dầu. Nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc duy trì ở mức cao đã thúc đẩy giá dầu, bất chấp các dữ liệu kinh tế yếu kém trong tháng 5.

Sản lượng công nghiệp tháng 5 của Trung Quốc tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 3,8% mà giới phân tích dự báo và mức tăng 5,6% hồi tháng 4. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo động lực cho các nhà hoạch định sớm đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Thực tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn (MLF kỳ hạn 1 năm) xuống còn 2,65% từ mức 2,75%, tương đương giảm 10 điểm cơ bản. Đây có thể là tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất cơ bản (LPR) 1 năm và 5 năm của quốc gia này trong tuần sau.

Tập đoàn Dầu mỏ Kuwait (KPC), nhà sản xuất lớn của OPEC cũng nhận thấy nhu cầu dầu từ Trung Quốc tiếp tục tích cực trong nửa cuối năm nay, theo Reuters trích lời giám đốc điều hành của tập đoàn vào tối qua ngày 15/6.

Về phía cung, các nhà phân tích kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng dầu thô tự nguyện được thực hiện từ tháng 5 bởi OPEC+ sẽ hỗ trợ giá dầu vào thời điểm nhu cầu mạnh mẽ. Ngân hàng UBS dự kiến ​​nguồn cung thâm hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và hơn 2 triệu thùng/ngày trong tháng 7 năm nay, đồng thời dự đoán giá dầu sẽ có xu hướng cao hơn.

MXV nhận định, thị trường dầu thô hiện đang đón nhận một vài tín hiệu tích cực hơn về nhu cầu, đặc biệt là kỳ vọng quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp kích thích kinh tế. Trong khi đó, nguồn cung dầu khu vực Trung Đông bị siết chặt rất dễ khiến thị trường rơi vào trạng thái thâm hụt vào giai đoạn tiêu thụ cao điểm tháng 6, tháng 7. Điều này có thể đưa giá dầu WTI sớm phục hồi lên vùng giá 73 – 75 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI vẫn sẽ khó quay lại vùng giá 80 USD/thùng trong 1, 2 tháng tới khi rủi ro tăng trưởng yếu tại Mỹ còn tiềm ẩn, nhất là khả năng lãi suất tiếp tục tăng vẫn còn bỏ ngỏ.

Lúa mì tăng 5%, thị trường nông sản hồi phục mạnh

Thị trường nông sản ghi nhận phiên giao dịch với đà hồi phục mạnh mẽ thể hiện qua mức tăng của toàn bộ các mặt hàng trong nhóm. Lúa mì đã tăng mạnh gần 5%, lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Lo ngại về tình hình nguồn cung tại khu vực biển Đen, trong bối cảnh thời tiết căng thẳng tại châu Âu đã hỗ trợ giá.

Ngày hôm qua, công ty tư vấn Strategie Grains đã hạ dự báo về sản lượng lúa mì năm nay của Liên minh châu Âu (EU) do tình trạng khô hạn ở Tây Ban Nha và Bắc Âu. Cụ thể, Công ty này dự báo sản lượng lúa mì mềm của EU niên vụ 23/24 ở mức 128,7 triệu tấn, giảm so với mức 130,0 triệu tấn dự báo hồi tháng 5. Tại Tây Ban Nha, nơi bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng trong năm nay, vụ thu hoạch lúa mì được dự báo sẽ đạt “mức thấp lịch sử”.

Thị trường Hàng hóa 16/6/2023: Giá nông sản, năng lượng hồi phục mạnh

Trong khi đó, đà tăng của giá đậu tương đã được mở rộng trong phiên giao dịch hôm qua khi giá ghi nhận mức nhảy vọt tới 24 USD/tấn lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5. Cả nguồn cung và nhu cầu đều là những thông tin xuất hiện và hỗ trợ cho giá.

Thời tiết khô hạn kéo dài sau khi hoàn thành việc gieo trồng đang gây áp lực đối với cây trồng trên khắp khu vực Midwest của Mỹ, dấy lên lo ngại rằng sản lượng đậu tương năm nay có thể giảm xuống dưới mức kỳ vọng. Đặc biệt, mùa vụ ở các bang sản xuất chính như Illinois, Indiana và Michigan đang chịu áp lực hạn hán nặng nề nhất.

Trong khi đó, xét về nhu cầu, khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 08/06 đã tăng hơn gấp đôi lên mức 478.368 tấn, theo báo cáo từ Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA).

Ngoài ra, khối lượng ép dầu đậu tương tháng 5 của Mỹ đã vượt qua hầu hết các dự đoán của thị trường, đồng thời cũng đạt mức cao nhất từng được ghi nhận cho tháng này, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) báo cáo. Các thành viên NOPA, chiếm khoảng 95% công suất ép dầu đậu tương của Mỹ, đã chế biến 177,92 triệu giạ đậu tương trong tháng 5, tăng so với mức 173,23 triệu giạ của tháng 04 và mức 171,08 triệu giạ cùng kỳ năm ngoái. Các số liệu trên đã phản ánh nhu cầu xuất khẩu và ép dầu đậu tương tại Mỹ đang hồi phục và thúc đẩy đà tăng của giá.

Đáng chú ý, dầu đậu lại tiếp tục là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất đậu tương. Các khu sản xuất dầu cọ ở Sabah, bang sản xuất dầu cọ lớn nhất của Malaysia đang thiếu thốn về nguồn nước do những dấu hiệu ban đầu của El Nino. Sản lượng dầu cọ của nước này năm này dự đoán có thể sẽ giảm 10% -15% do thiệt hại về năng suất. MXV cho biết, triển vọng nguồn cung dầu thực vật sụt giảm đã hỗ trợ mạnh cho giá dầu đậu tương.

Đồng lên mức cao nhất 5 tuần, quặng sắt Đại Liên cao nhất 11 tuần

Giá đồng đảo lại chiều giảm trước đó, lên mức cao nhất 5 tuần do USD yếu và hy vọng Trung Quốc sẽ hỗ trợ nhiều hơn với nền kinh tế của họ sau khi số liệu sản xuất tháng 5 thất vọng.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,7% lên 8.570 USD/tấn sau khi đạt 8.577 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 10/5 và vượt ngưỡng trung bình 50 ngày tại 8.496 USD/tấn.

Dự đoán các biện pháp kích thích kinh tế sắp tới từ Trung Quốc đang hỗ trợ giá đồng và các kim loại khác trong tuần này.

USD giảm sau khi doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5, khiến các kim loại định giá bằng USD thu hút hơn cho người giữ các ngoại tệ khác.

Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore tăng phiên thứ 3 liên tiếp, do tăng trưởng công nghiệp yếu hơn dự kiến tại Trung Quốc củng cố quan điểm Bắc Kinh sẽ tung thêm các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Đầu tư trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, nơi tiêu thụ thép nhiều nhất nước, giảm trong tháng trước với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu của Cục Thống kê Quốc gia. Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn giảm 19,7% so với giảm 11,8% trong tháng 4.

Số liệu thất vọng này đã gây áp lực cho thị trường kim loại đen này trong phiên giao dịch buổi sáng, bất chấp ngân hàng trung ương cắt giảm chi phí vay của các khoản vay chính sách trung hạn lần đầu tiên trong 10 tháng.

Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,43% lên 815,5 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 31/3.

Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 7 tăng 0,76% lên 113,3 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 18/4.

Thép cây tại Thượng Hải tăng 0,59%, thép cuộn cán nóng tăng 0,49% và thép dây tăng 0,45%. Thép không gỉ giảm 1,14%.

Cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu và xuất khẩu tăng, đường diễn biến trái chiều

Giá cao su Nhật Bản tăng do đồng JPY yếu và xuất khẩu bất ngờ tăng trưởng mặc dù triển vọng ảm đạm của Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1 JPY hay 0,5% lên 210,7 JPY (1,49 USD)/kg.

Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 tăng 65 CNY lên 12.155 CNY (1.698,46 USD)/tấn.

Đồng JPY giảm 0,89% so với USD thành 141,37, một mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Đồng JPY yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này giá cả phải chăng hơn khi mua bằng các ngoại tệ khác.

Xuất khẩu của Nhật Bản bất ngờ tăng trong tháng 5 do doanh số bán ô tô mạnh, mặc dù tốc độ tăng chậm lại khi lạm phát và lãi suất đang tăng ảnh hưởng tới nhu cầu toàn cầu.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,16 US cent hay 0,6% lên 26 US cent/lb.

Các đại lí cho biết đồng real của Brazil mạnh lên làm giảm giá mặt hàng này tính dưới dạng đồng nội tệ tại nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này và hạn chế các nhà máy bán ra.

Có một số dấu hiệu rằng giá đường tại Mỹ có thể bắt đầu giảm từ mức cao 3 năm trước, mặc dù thời tiết tốt hơn là cần thiết để tránh bất kỳ vấn đề nào với sản lượng trong nước.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 2,1 USD hay 0,3% xuống 685 USD/tấn.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 63 USD hay 2,3% lên 2.757 USD/tấn.

Giá cà phê arabica giao tháng 9 tăng 2,8 US cent hay 1,6% lên 1,8295 USD/lb.

Giá cà phê tại Việt Nam tiếp tục tăng trong tuần này do lo ngại nguồn cung thiếu hụt sau khi hiện tượng thời tiết El Nino trở lại. Tại Indonesia giá cũng vẫn cao với sản lượng ước tính giảm 20% trong năm nay.

Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê nhân xô với giá 64.200 – 64.900 đồng (2,73 – 2,76 USD)/kg, tăng vọt từ 60.700 – 61.900 đồng/kg một tuần trước.

Một lái thương ở đây cho biết “hầu hết nông dân đã bán cà phê khi giá ở mức 40.000 đồng/kg vì thế họ không thực sự tận dụng được giá cao”.

Các thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 120 – 140 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London, một tuần trước mức cộng là 40 – 50 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 ở mức 866.121 tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu cà phê trong giai đoạn này đạt 2 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Indonesia cà phê Sumatra được chào bán ở mức cộng 300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 trong tuần này, tăng từ mức cộng 270 USD/tấn một tuần trước. Giá cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hoang mang, họ không biết nên bán hay mua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *