Giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu, từ kim loại quý, kim loại công nghiệp đến cao su, cà phê… đều giảm trong phiên vừa qua do lo ngại triển vọng nhu cầu yếu. Thị trường nông sản diễn biến trái chiều, giá lúa mì quay đầu giảm mạnh
Nội dung
Ngô và đậu tương tăng do lo ngại về thời tiết
Trên thị trường nông sản, giá ngô tiếp tục tăng gần 1% so với mức tham chiếu. Từ khi mở cửa, ngô đã tăng vọt và trở thành mặt hàng dẫn dắt xu hướng của toàn nhóm nông sản. Tuy nhiên, lực bán dần mạnh lên đã làm bốc hơi gần như toàn bộ mức tăng từ phiên sáng và khiến cho giá ngô đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0,88%.
Trong tuần này, dự báo thời tiết cho thấy, nhiệt độ tăng cao tiếp tục lan rộng trong hầu hết các vùng ở khu vực Midwest, đặc biệt tại các bang trung tâm – nơi tập trung sản lượng ngô lớn. Nếu như nắng nóng không có dấu hiệu suy giảm thì chất lượng cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, từ đó gây ra nguy cơ làm giảm năng suất mùa vụ ngô Mỹ. Đây là yếu tố giúp giá ngô tăng mạnh ngay khi vừa mở cửa. Tuy nhiên, do tháng 7 là mùa khô nóng ở Mỹ và hiện tượng thời tiết tuần này cũng không phải là điều bất thường nên những lo ngại trên chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Điều này cũng lý giải cho diễn biến quay đầu suy yếu của giá ngô ngay sau khi tăng vọt từ đầu phiên.
Tuy nhiên, theo Báo cáo Giao hàng (Export Inspections) được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành tối qua, giao hàng ngô của Mỹ trong tuần từ 01/07 đến 07/07 đạt mức 933.725 tấn, thấp hơn so với mức 1.002.342 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, luỹ kế bán hàng từ đầu niên vụ cũng đang chậm hơn so với niên vụ trước. Điều này cho thấy nhu cầu đối với ngô Mỹ tạm thời sụt giảm và kìm hãm đà tăng của giá.
Giá lúa mì quay đầu giảm mạnh
Ở chiều ngược lại, sau 2 phiên tăng liên tiếp vào cuối tuần trước, lúa mì hợp đồng tháng 9 đóng cửa đã quay đầu giảm mạnh tới gần 4% bất chấp lực mua áp đảo ở đầu phiên giao dịch.
Cụ thể, theo Hãng tư vấn nông nghiệp SovEcon, xuất khẩu lúa mì trong tháng 7 của Nga đạt 2,3 triệu tấn, cao hơn so với mức 1,1 triệu tấn trong tháng 6. Bên cạnh đó, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein và lúa mì từ Biển Đen của Nga trong tuần trước hiện đang ở mức 358 USD/tấn, thấp hơn so với mức 375 USD/tấn của tuần trước đó. Nguyên nhân là do nông dân đã bắt đầu thu hoạch, thuế xuất khẩu giảm và đồng Rúp yếu hơn. Những thông tin trên đã tạo áp lực cạnh tranh đối với giá lúa mì CBOT trong phiên hôm qua.
Dầu biến động nhẹ
Giá dầu biến động nhẹ vào lúc đóng cửa phiên 11/7/2021 khi thị trường chịu tác động cân bằng giữa 2 luồng tác nhân: nhu cầu dự kiến giảm khi Trung Quốc đang tiến hành xét nhiệm Covid-19 hàng loạt và lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 9 tăng 8 US cent, tương đương 0,1%, lên 107,10 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 70 cent, tương đương 0,7%, xuống 104,09 USD.
Thị trường náo động trước thông tin Trung Quốc đã phát hiện ra ca nhiễm virus Omicron có khả năng lây nhiễm cao ở Thượng Hải, có thể dẫn đến một đợt xét nghiệm khác – điều ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Thị trường vẫn đang hoang mang về kế hoạch của các quốc gia phương Tây nhằm giới hạn giá dầu của Nga, trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo có thể dẫn đến hậu quả “thảm khốc” trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Đồng USD phá đỉnh cao nhất 20 năm, thị trường kim loại chịu áp lực
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá kim loại khi đồng bạc xanh tiếp tục tăng vọt trong phiên. Giá bạc sau 3 phiên tăng nhẹ đã giảm trở lại với mức đóng cửa 19,13 USD/ounce sau khi giảm 0,54%. Bạch kim là mặt hàng suy yếu mạnh nhất trong nhóm kim loại quý với mức giảm 2,5% xuống còn 860,7 USD/ounce.
Đồng euro trượt xuống mức thấp nhất trong 20 năm và tiến gần đến mức tỷ suất ngang bằng với đồng Dollar Mỹ vào hôm qua do lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy khu vực này vào suy thoái. Theo đó, đường ống duy nhất chở khí đốt của Nga đến Đức, Nord Stream 1, đã bắt đầu được bảo trì hàng năm vào thứ Hai, với các dòng chảy dự kiến sẽ ngừng trong 10 ngày, làm dấy lên lo ngại về giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao và bóng đen lạm phát bao trùm lên khu vực đồng tiền chung.
Trong khi đó, đồng tiền của Mỹ được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn các đồng nghiệp của mình. Sự trượt giá của đồng Euro đã củng cố cho sức mạnh của đồng bạc xanh, đẩy chỉ số Dollar index tiếp tục phá đỉnh và lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Nhu cầu trú ẩn an toàn của nhóm kim loại quý thất thế trước sức mạnh của đồng USD, kéo giá bạc và bạch kim suy yếu trong phiên hôm qua.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do lo ngại về nhu cầu ở nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – khi nước này áp dụng những biện pháp mới hạn chế Covid-19 và các nước khác tăng lãi suất trong bối cảnh USD tăng vọt.
Kết thúc phiên 11/7, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 3% xuống 7,573 USD/tấn. Giá kim loại được sử dụng rộng rãi trong ngành điện và xây dựng đã giảm hơn 40% kể từ khi đạt đỉnh 10.845 USD/tấn vào tháng 3.
Dữ liệu việc làm hàng tháng mạnh mẽ phát đi từ Mỹ đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản khác khi Cục Dự trữ Liên bang họp vào cuối tháng này, trong bối cảnh lãi suất đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm, khiến kim loại tính bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm trong phiên vừa qua do lo ngại ngày càng tăng về nhu cầu nguyên liệu thô của nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, là Trung Quốc – nơi nhiều thành phố đang thực thi các biện pháp mới chống lại sự bùng phát của dịch Covid-19.
Hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất – kỳ hạn tháng 9 – trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 3,3% xuống 741 nhân dân tệ (110,37 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm 722 nhân dân tệ – mức thấp nhất kể từ ngày 6/7.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 giảm tới 4,8% xuống 107,45 USD/tấn.
Nhu cầu đối với quặng sắt dự kiến sẽ vẫn yếu do các nhà máy thép Trung Quốc thu hẹp sản lượng trong khi chịu lỗ do tồn kho cao và đơn đặt hàng thép không nhiều.
Giá thép phiên này cũng giảm, với thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 4,1%, thép cuộn cán nóng giảm 4% và thép không gỉ giảm 1,3%.
Cà phê và đường giảm
Giá cà phê arabica giảm hơn 3% trong phiên vừa qua do lo ngại về nhu cầu trên toàn cầu và tiền real của Brazil suy yếu làm tăng doanh số bán cà phê từ phía cả người nông dân và nhà xuất khẩu.
Giá đường thô phiên này cũng giảm từ mức cao nhất trong vòng 1 tháng ở phiên liền trước.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York kết thúc phiên giảm 7,2 US cent, tương đương 3,3% xuống 2,1325 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong sáu tuần là 2,1270 USD.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 cũng giảm 15 USD, tương đương 0,8%, xuống 1.966 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,16 cent, tương đương 0,8%, xuống 18,86 cent/lb,
Giá đường trắng giao tháng 8 phiên này tăng 2,40 USD, tương đương 0,4%, lên 571,30 USD/tấn.
Cao su vững
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản vững trong phiên giao dịch 11/7 do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc sẽ giảm do bùng phát dịch Covid-19 được bù đắp bởi đồng yen giảm giá so với USD.
Cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka kết thúc phiên tăng nhẹ 0,1 yên lên 247,6 yên (1,8 USD)/kg, sau khi có lúc đạt 250,3 yên. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải
giảm 75 nhân dân tệ xuống 12.645 nhân dân tệ (1.885 USD)/tấn.
Tỷ giá USD/JPY phiên vừa qua ở mức 137,06 JPY, so với khoảng 135,66 JPY trong phiên liền trước (8/7).